Tước quyền tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh: Mức phạt đã đủ sức răn đe?

Dung Hòa 22/06/2023 06:42

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chính thức có văn bản thông báo tước quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với 2 trường đại học (ĐH) do vi phạm về tuyển sinh. Tuy nhiên, trên thực tế có tới gần 80 cơ sở đào tạo bị “tuýt còi” vi phạm công tác tuyển sinh được công bố từ cuối năm 2022.

Tự chủ tuyển sinh phải đi kèm với giám sát chất lượng. Ảnh: Quang Vinh.

Gần 80 cơ sở vi phạm đã được chỉ ra

Cụ thể, Bộ GDĐT yêu cầu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm, (từ ngày 2/4/2023 đến 2/4/2028). Trường ĐH Nông Lâm TPHCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian 5 năm (từ ngày 30/3/2023 đến 30/3/2028). Thay vào đó, Bộ GDĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo theo quy định.

Nguyên nhân do các trường ĐH này bị Thanh tra Bộ GDĐT xử phạt hành chính (quyết định xử phạt cuối năm 2022), vì đã có hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của cơ sở đào tạo, các trường còn bị xử lý khi tuyển sinh không đúng đề án đã xác định và công khai, mặc dù tuyển sinh chưa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực của mình. Việc tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GDĐT căn cứ theo quy định của luật Giáo dục ĐH và thông tư quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Trước đó, vào cuối năm 2022 Thanh tra Bộ GDĐT đã xử phạt vi phạm hành chính 78 cơ sở giáo dục ĐH do vi phạm trong công tác tuyển sinh năm 2021. Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra những cơ sở vi phạm tuyển sinh như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ ĐH, thạc sĩ; Trường ĐH Nguyễn Trãi… đều tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh và đã bị xử phạt. Chánh Thanh tra Bộ GDĐT cho hay, hàng năm Bộ đều xây dựng kế hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo để kiểm tra về công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Mức phạt quá thấp

Tại Hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 04/2021 và Nghị định 127/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GDĐT tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, nhiều bất cập đã được ghi nhận từ thực tế sau khoảng 1 năm áp dụng quy định xử phạt này. Ông Nguyễn Đức Cường nhận định, sau một năm áp dụng Nghị định 127, trong số khoảng 300 các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm đã có tới gần 100 trường bị xử phạt. Theo ông Cường, một quy định pháp luật được triển khai trong số 100 trường mà 20 trường vi phạm là bình thường, nhưng trong 300 trường có tới 1/3 trường vi phạm thì cần xem xét lại.

Thảo luận về dự thảo sửa đổi cho nghị định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhiều ý kiến quan tâm tới cách xác định, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục. Chẳng hạn với trình độ ĐH, theo quy định hiện hành mức phạt thấp nhất từ 5-10 triệu đồng áp dụng khi trường tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% chỉ tiêu. Nhưng với dự thảo mới, mức phạt này được áp dụng trong trường hợp số tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% và số lượng người học tuyển vượt từ 60 người trở lên. Tương tự, ở các mức tiếp theo, số tiền phạt tăng lên cùng với tỷ lệ và số lượng người học tuyển vượt. Cụ thể, phạt 10-30 triệu đồng nếu tuyển vượt 10 đến dưới 15% và có số lượng vượt từ 100 người học trở lên; 30-50 triệu đồng cho mức vượt 15 đến dưới 20% và tối thiểu 150 người học; 50-70 triệu đồng nếu vượt từ 20% trở lên và tối thiểu 200 người học.

Nêu thực tế chấp nhận bị phạt để tuyển sinh, đại diện Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai phân tích: Nếu một trường một năm tuyển đầu vào từ 800-1.000 học sinh, quy mô của trường trong năm học cả mấy nghìn người học. Học phí trung bình mỗi học sinh thấp nhất khoảng 27 triệu đồng/năm. Trong khi mức phạt cao nhất chỉ 20 triệu đồng. Do đó đã có đơn vị chấp nhận bị xử phạt để tuyển sinh.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, năng lực đào tạo của trường ĐH có hạn nhưng lại tuyển sinh vượt quá năng lực của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng. Việc này phải xử phạt thật nghiêm để răn đe và ngăn chặn những vi phạm tiếp diễn. Hiện nay, xử phạt hành chính là chưa đủ nghiêm, hơn nữa, tiền nộp phạt và tiền thu được là chênh lệch rất lớn, nên trường không sợ phải đóng phạt. Nếu nộp phạt chỉ có 3 mà thu về 10 thì họ không ngại vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tước quyền tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh: Mức phạt đã đủ sức răn đe?