Kết quả nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu bị giảm gần 2 năm trong giai đoạn 2019 - 2021.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình toàn cầu hiện còn 71,4 tuổi; tương đương mức của năm 2012. Tuổi thọ khỏe mạnh trung bình cũng đã giảm 1,5 năm xuống còn 61,9 tuổi vào năm 2021, cũng bằng mức của năm 2012.
Đáng chú ý, Mỹ và Đông Nam Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất: tuổi thọ giảm khoảng 3 năm, trong khi khu vực Tây Thái Bình dương chỉ giảm 0,1 năm.
Các nhà khoa học của WHO cũng cho rằng dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến tuổi thọ con người so với bất kỳ sự kiện nào khác trong nửa thế kỷ qua. Tiến sĩ Samira Asma - trợ lý Tổng Giám đốc WHO còn cho biết, nhân loại đã phải chịu đựng "gánh nặng kép" về tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì, với hơn 1 tỷ người từ 5 tuổi béo phì vào năm 2022 và hơn 500 triệu người thiếu cân. Bên cạnh đó, có 16% người khuyết tật vào năm 2021, tương đương 1,3 tỷ người.
Tương tự, theo Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (Mỹ), mức giảm tuổi thọ trung bình khoảng 1,6 năm của dân số thế giới do đại dịch Covid-19. Tiến sĩ Austin Schumacher là tác giả dẫn đầu nghiên cứu đăng trên chuyên san The Lancet cho rằng, đối với người trưởng thành, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc hơn bất kỳ sự kiện nào xảy ra trong nửa thế kỷ qua, bao gồm cả xung đột và thiên tai. Vẫn theo ông Austin, giai đoạn 2020 - 2021, tuổi thọ đã giảm tại 84% trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ được nghiên cứu. Tỷ lệ tử vong ở những người trên 15 tuổi tăng 22% đối với nam và 17% đối với nữ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Theo WHO, ước tính đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 14,9 triệu người trong năm 2020 - 2021.
Trong một nỗ lực đáng ghi nhận về phòng chống dịch bệnh, WHO đã kêu gọi một thỏa thuận ứng phó với các đại dịch trong tương lai; nhắm tới mục tiêu phá vỡ thế bế tắc sự tiếp cận công bằng đối với vaccine và chia sẻ dữ liệu về những mầm bệnh mới xuất hiện.
Tiến sĩ Precious Matsoso (Đại học Witwatersrand, Nam Phi) cho biết, tuy chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng các nước đã "bắt đầu tìm thấy nhau" với một số điều khoản tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, bà Precious vẫn cảnh báo rằng "cánh cửa cơ hội đang khép lại" trong cả 2 lĩnh vực công bằng trong phân phối vaccine cho các nước nghèo và chia sẻ kết quả nghiên cứu virus giữa các hãng dược phẩm lớn trên thế giới.
Bắt đầu từ ngày 27/5, WHO sẽ tiến hành hội nghị thường niên, trong đó có vấn đề ứng phó với các đại dịch trong tương lai.