Sáng 9/4 (tức 3/3 âm lịch), nhân dịp lễ hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên - Hà Nội), UBND quận Long Biên đã tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận pho tượng Trấn Vũ tại đền là Bảo vật quốc gia.
Đón nhận quyết định công nhận bảo vật Quốc gia.
Đại diện Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt cơ quan chức năng trao quyết định.
Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là vị thần trong Đạo giáo, từ lâu đã du nhập vào văn hóa Việt. Thánh Huyền Thiên được coi là người trấn giữ hướng Bắc.
Theo bia đá dựng năm 1820 tại đền, xưa kia, vua Lê Thánh Tông khi đi đánh Chiêm Thành đã nghỉ chân tại làng Ngọc Trì (nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Nhà vua được thần Trấn Vũ ứng mộng. Vì vậy, vua Lê Thánh Tông đã cho lập đền, đúc tượng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.
Năm 1788, nhân dân địa phương đã đóng góp đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng. 14 năm sau, năm 1802 pho tượng mới hoàn thành.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nặng bốn tấn, cao 3,96 mét. Là một trong những bức tượng nguyên khối lớn nhất Việt Nam cùng thời, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng nước ta thời xưa.
Đoàn rước chuẩn bị cho lễ kéo co.
Huyền Thiên Trấn Vũ được tạc trong dung mạo một đạo sỹ, đầu để trần, tay trái bắt ấn, tay phải tỳ đốc kiếm chống lên lưng một con rùa. Đặc biệt, các đường nét khuôn mặt, các họa tiết hoa văn trên bộ giáp như hổ phù, hình tổ ong, long mã… được tạo tác cực kỳ tinh tế mà hài hòa.
Mặc dù Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thánh trong Đạo giáo, có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng tạo hình của pho tượng mang phong thái hiền hòa, gần gũi với tinh thần người Việt.
Lễ thánh trước khi kéo co.
Đầu thế kỷ 20, do pho tượng xuống cấp, người dân đã sửa sang và cho sơn tượng màu đen bằng sơn ta.
Với những giá trị đặc biệt này, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ là Bảo vật quốc gia.
Đây là vinh dự lớn cho người dân làng Ngọc Trì, bởi ngoài pho tượng là Bảo vật quốc gia, nghi thức kéo co ngồi của làng Ngọc Trì đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (trong hồ sơ đa quốc gia nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Philippin, Hàn Quốc và Campuchia).
Sôi động không khí kéo co.
Trong dịp này, nhân dân Thạch Bàn tổ chức nghi lễ kéo co ngồi, với mong ước về một năm mưa thuận, gió hòa, nhân dân làm ăn phát đạt.