Tương lai nào cho ngành bán lẻ?

Duy Phương (thực hiện) 28/02/2016 09:10

Ngay trên một đoạn đường Tây Sơn chưa đầy 1 km, mà có tới 3 cái siêu thị. Xây dựng như thế là các DN bán lẻ nội tự cạnh tranh lẫn nhau, tự loại trừ nhau.

Tương lai nào cho ngành bán lẻ?

Mặc dù đã có thời gian có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt, nổi lên một số tên tuổi như Hapro, Fivimart, Citimart… thế nhưng, gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam đang bị chững lại, dần bị thâu tóm, sáp nhập. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế càng khiến cho hoạt động sáp nhập, thậm chí là thôn tính của DN bán lẻ ngoại đối với DN bán lẻ nội thêm gay gắt. Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có thể phác thảo bức tranh của ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua?

Ông Vũ Vinh Phú: Trong một số năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam và một số nước trên thế giới có dấu hiệu hồi phục, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế đất nước, thương mại bán lẻ Việt Nam, nhất là thương mại hiện đại cũng có những bước phát triển đáng khích lệ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 25,4%, giai đoạn 2011-2014 tăng bình quân 15-16%, tuy có chậm lại nhưng vẫn là một mức phấn đấu tương đối khả quan trong tình hình sức mua vẫn còn yếu.

Với dân số 90 triệu người, đa số là dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng (phấn đấu đến năm 2020 đạt thu nhập bình quân đầu người ở mức 3.200 USD đến 3.500 USD- PV), ngành bán lẻ Việt Nam được hứa hẹn có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa…

Hiện nay cả nước có khoảng 750 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Còn theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại. Với những dữ liệu nói trên có thể thấy, ngành bán lẻ Việt Nam đang rất giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Song, tiềm năng có biến thành hiện thực không lại là câu chuyện khác. Nhất là khi chúng ta hội nhập sâu rộng. Tính đến cuối năm 2015, đã có hàng chục nhà đầu tư các nước tham gia vào lĩnh vực phân phối hiện đại tại Việt Nam như Metro (Đức), BigC (Pháp), AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia)…

Một số nhà bán lẻ của Mỹ như tập đoàn Walmart hay Tesco của Anh cũng đang thăm dò để đầu tư tại Việt Nam… Một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian vừa qua cần đề cập tới, đó là các phi vụ mua bán (M&A) giữa các nhà bán lẻ nước ngoài với các DN bán lẻ Việt Nam: AEON đã mua 49% của Citymart và 30% của Fivimart, Centarl Group của Thái Lan mua 49% của điện máy Nguyễn Kim. Nojima nắm giữ 31% cổ phần của Điện máy Trần Anh, BJC của Thái Lan đã mua toàn bộ Metro và lại đang tiếp tục “nhòm ngó” BigC…

Dự kiến trong năm 2016 và những năm tiếp theo, M&A tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nà đầu tư nước ngoài và một số ít nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và dịch vụ.

Tình hình hiện nay đối với ngành bán lẻ Việt Nam, đó là ngoài một số ít các nhà bán lẻ nội còn tiếp tục trụ vững và phát triển như Coopmart, Vingroup, còn lại đa số các thương hiệu nội về bán lẻ hiện đại đã bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh, rút bớt địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ.

Còn các DN tên tuổi khác đã từng nổi trước đây như Fivimart, Hapro cũng đã trùng xuống. Tất cả những cái đó để thấy thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng trở nên sôi động, cạnh tranh mạnh mẽ giữa trong và ngoài nước. Thực tế này đang tạo sức ép cho các nhà đầu tư trong nước phải thay đổi, nếu không thì sẽ phá sản.

Bán lẻ ngoại lấn lướt như vậy thì cơ hội nào cho các nhà bán lẻ Việt Nam, thưa ông?

- 4 cái yếu nhất của DN bán lẻ Việt Nam chính là 4 điểm mạnh của nhà đầu tư nước ngoài: một, đó là chiến dịch kinh doanh lâu dài. 5 năm hòa vốn, họ vẫn làm.

Thứ hai, họ vay vốn ngân hàng chi phí rất thấp, chỉ 1%, trong khi Việt Nam đi vay cao ngất ngưởng (8-10%).

Thứ ba, nhân lực họ được đào tạo chuyên nghiệp, thành thục, bài bản.

Thứ tư, họ là chuỗi thu mua phân phối toàn cầu. Có thể ở Việt Nam họ hòa vốn hoặc lỗ nhưng ở Braxin họ lãi… Tựu chung lại, cuối cùng họ vẫn lãi. Họ đi thẳng từ sản xuất đến người tiêu dùng. Mua tận gốc bán tận ngọn. Còn ngành bán lẻ của Việt Nam thì sao?

Chúng ta chưa xây dựng chiến lược kinh doanh bán lẻ một cách bài bản ở cả ba cấp: Cấp nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn liếng quá nhỏ bé, vốn tự có của các siêu thị nội chỉ đủ 15-20% nhu cầu kinh doanh. Lớn như Saigon Coop chỉ có 1000 tỷ đồng vốn tự có. Quy hoạch cũng hết sức tủn mủn, thiếu tầm nhìn xa.

Tôi chỉ đơn cử một ví dụ rất nhỏ, ngay trên một đoạn đường Tây Sơn chưa đầy 1 km, mà có tới 3 cái siêu thị. Xây dựng như thế là các DN bán lẻ nội tự cạnh tranh lẫn nhau, tự loại trừ nhau.

Thêm nữa, sự liên kết của chúng ta cũng rất yếu. 10 siêu thị vẫn cử 10 người đi mua dầu ăn, không có mua chung, bán chung. Một yếu tố nữa, yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là tính chuyên nghiệp. Vào AEON, khi đi ra cửa nhà vệ sinh còn có biển “Bạn có quên chìa khóa hay điện thoại di động không”. Lên Lotte vô ý đánh rơi giấy kẹo cũng có người nhặt để bỏ vào sọt rác… Hàng hóa được nhân viên siêu thị xách ra tận ô tô. Họ quá chuyên nghiệp trong phong cách dịch vụ. Điều này ở Việt Nam không có.

Khi phong cách dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý còn yếu… Hay nói cách khác, 4 điểm yếu nói trên còn chưa khắc phục được, thì chắc chắn các DN ngành bán lẻ sẽ khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài bởi họ có quá nhiều điểm mạnh hơn chúng ta, bởi các điểm yếu của chúng ta lại chính là những điểm mạnh của họ.

Vậy giải pháp nào để có thể cải thiện thực trạng trên, đồng thời tạo cơ hội để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển trong tương lai, thưa ông?

-Theo dự thảo phương hướng phát triển kinh tế xã hội trình Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ: Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ, chú trọng thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Tăng cường kết nối giữa DN sản xuất, phân phối và các Hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh mẽ thị trường trong và ngoài nước, chủ động tham gia mạng lưới phân phối toàn cầu”.

Tôi cho rằng, để thực hiện được định hướng nói trên, trước hết, về phía Quốc hội, Nhà nước, các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước cần tạo môi trường kinh doanh thương mại minh bạch, công khai, bình đẳng, thông thoáng cho DN kinh doanh bán lẻ. Còn như hiện nay, chúng ta vẫn đang quá ưu đãi cho các DN ngoại, như vậy là thiếu công bằng với các DN trong nước. Điều này không chỉ xảy ra đối với lĩnh vực bán lẻ mà ở cả nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Tôi cho là, Bộ Công thương cần tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ một số địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam.

Song song với đó, chúng ta cần tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ổn định, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ nói chung và các siêu thị trong cả nước. Bởi nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được.

Và cuối cùng, tôi muốn nhắc lại, cần phải khắc phục được 4 điểm yếu mà tôi đã nói ở trên, chính 4 điểm yếu đó đang kéo ngành bán lẻ của chúng ta xuống thấp hơn các DN bán lẻ ngoại nhiều bậc và trở thành rào cản khiến cho ngành bán lẻ Việt Nam tụt hậu.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương lai nào cho ngành bán lẻ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO