Ngày 10/7, tại huyện Bến Lức (Long An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-10/7/2020).
Tới dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo 1 số ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện thân nhân gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Long An.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An đã ôn lại sự nghiệp cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị Trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Năm 1933, ông trở về nước, sau 5 năm tập sự, ông vượt qua kỳ sát hạch của Luật sư đoàn và trở thành một luật sư thực thụ. Mới 30 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành Luật sư có danh tiếng và mở rất nhiều văn phòng Luật sư riêng ở Vĩnh Long và Cần Thơ.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng góp sức lực trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới. Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được vinh dự kết nạp vào Đảng.
Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Từ chủ nghĩa yêu nước, ông đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết, quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, ông đã đưa cuộc đấu tranh vào tận sào huyệt của địch và liên tiếp giành được thắng lợi.
Do những hoạt động yêu nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhiều lần bị địch bắt. Hơn 9 năm bị chính quyền thực dân thân Pháp, rồi chính quyền thân Mỹ quản thúc lưu đày, từ ngã ba biên giới Mường Tè, Lai Châu vùng Tây Bắc tới vùng cao huyện Củng Sơn, Phú Yên; vượt qua bao nhiêu thủ đoạn dọa nạt, mua chuộc, khủng bố và lừa bịp của kẻ thù, lòng trung thành với Đảng, với nước, với dân của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không hề lay chuyển.
Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất được tổ chức thành công trên phạm vi toàn quốc, ông Nguyễn Hữu Thọ được giới thiệu ứng cử ở Sài Gòn và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa VI với số phiếu rất cao.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI (tháng 6/1976), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước phụ trách vấn đề luật pháp và đối ngoại của nhà nước, từ tháng 4/1980 đến tháng 7/1981 ông giữ Quyền Chủ tịch nước.
Cùng với Đảng và Chính phủ, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đã lãnh đạo nhân dân cả nước tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Một trong những đóng góp quan trọng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong giai đoạn này là ông đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Với uy tín và kiến thức luật học uyên bác của mình, ông cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tham gia soạn thảo bản Hiến pháp sửa đổi và đã có những ý kiến sâu sắc và xác đáng trong các cuộc họp của Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự hình thành bản Hiến pháp mới trình Quốc hội vào năm 1980.
Đây là bản Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 26/4/1981 diễn ra cuộc cử bầu Quốc hội khóa VII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa VII. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Thực hiện chức năng của Quốc hội, ông cũng đã hướng trọng tâm vào việc thảo luận và quyết định những vấn đề lớn trọng yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, đến việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, quan trọng nhất là kế hoạch Nhà nước, ngân sách Nhà nước và các vấn đề nóng bỏng có liên quan đến quốc kế dân sinh, đến việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của người dân lao động.
Ông cũng khuyến khích các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, chú ý thực hiện quyền chất vấn, thẳng thắn đóng góp ý kiến xây dựng đối với công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật của Hội đồng Bộ trưởng.
Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng ông đã từ trần vào ngày 24/12/1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thực sự là một chính khách giản dị, chính trực, khiêm tốn; một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, quan tâm gần gũi mọi người; có lối sống trong sạch, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa, không khuất phục trước cường quyền không bị cám dỗ bởi tiền tài, danh lợi; luôn phấn đấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác.
Ông cũng được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tặng nhiều giải thưởng và Huân chương vì sự nghiệp đoàn kết, chiến đấu, củng cố hòa bình giữa các dân tộc.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Hữu Châu, con trai của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các đồng chí, đồng bào, cơ sở cách mạng đã chăm sóc, cưu mang, cứu sống Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong suốt 3.500 ngày Luật sư nằm trong đầy ải của kẻ thù.
Nhờ đó, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới duy trì được cuộc sống để làm tròn các nhiệm vụ cách mạng hết sức cam go mà Đảng và Bác Hồ giao phó: Trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, giương cao ngọn cờ chống can thiệp Mỹ ngay tại sào huyệt của chúng; Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng niềm Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch nước; Quyền Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hữu Châu, con trai trưởng cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ trị giá 50 triệu đồng cho Chi hội Khuyến học huyện Bến Lức.