Tương phản hình ảnh

Tinh Anh 25/08/2020 08:00

Hàng triệu trái tim đã bị lay động bởi hình ảnh một đứa trẻ người dân tộc Ca Dong chỉ mới 8 tuổi vác cây măng rừng đi bộ suốt 30 phút đường đồi núi trơn trượt, đến điểm tập kết ủng hộ đồng bào miền xuôi Đà Nẵng chống dịch.

Hình ảnh đó là sự tương phản mạnh mẽ so với những kẻ đi xe ô tô, xe máy tay ga đắt tiền đi “cướp” suất ăn miễn phí của người nghèo. Trong khi một đứa trẻ người dân tộc còn khó khăn biết nghĩ cho người khác, chia sẻ yêu thương, thì không ít người lớn chi nhăm nhăm biển thủ tiền chống dịch.

Bức ảnh chụp Hồ Ánh Khiết với món quà gửi xuống phố thật sự gây xúc động. Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ.

Cậu bé người dân tộc Ca Dong đó là Hồ Ánh Khiết, ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Thấy nhiều người lớn vào rừng hái rau, bẻ măng, lượm quả... ủng hộ đồng bào Đà Nẵng đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, Hồ Ánh Khiết cũng muốn góp chút sức nhỏ bé của mình vào việc làm đầy ý nghĩa đó. Sau khi nhờ mẹ bẻ cho một cây măng khá lớn, Hồ Ánh Khiết không quản đường sá xa xôi, vác măng trên vai, chân trần lặn lội tới điểm tập kết ủng hộ đồng bào Đà Nẵng, với nụ cười rạng rỡ trên môi.

Thật đáng khen cho tinh thần mình vì mọi người của Hồ Ánh Khiết, bởi hoàn cảnh gia đình cháu cũng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khiết sống cùng cha mẹ và đứa em trai trong ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi. Gia đình thuộc diện khó khăn, cha lại ốm đau, không làm được việc nặng. Hằng ngày, sau giờ học, Khiết thường theo mẹ đi lấy rau rừng về để sáng hôm sau gùi xuống trung tâm xã bán. Ấy vậy mà cậu bé sẵn sàng hiến dâng búp măng là vật có thể bán ra tiền để thêm vào trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Dù cuộc sống còn khó khăn vất vả, Khiết và rất nhiều đồng bào người dân tộc vẫn nhiệt liệt hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ huyện Nam Trà My, vào rừng hái rau, thu hoạch nông sản để ủng hộ đồng bào miền xuôi chống dịch. Chỉ sau 3 ngày phát động, có tới hơn 10 tấn rau, quả đã được đồng bào các dân tộc đưa đến điểm tập kết để vận chuyển về Đà Nẵng. Dù với mỗi người chỉ là mớ rau, vài cân củ, quả... nhưng đó là sự yêu thương, tình cảm thắm thiết dành cho đồng bào miền xuôi đang phải vật lộn với đại dịch.

Tâm hồn trong sáng, thuần khiết đó của Hồ Ánh Khiết khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ và cảm thấy xấu hổ. Chẳng phải thế sao, khi trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, chính địa phương Quảng Nam đã “quăng tiền qua cửa sổ” bằng việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR với giá cắt cổ đắt hơn gấp hơn hai lần giá trị thực? Số tiền vài tỷ đồng “ném đi” đó có thể mua được bao nhiều lần 10 tấn rau, củ, quả? Số tiền lãng phí ấy sẽ bớt đi được sự nhọc nhằn, vất vả của bao nhiêu người dân trên địa bàn?

Song, không vì sự xa hoa, lãng phí của một vài quan chức hàng tỉnh mà người dân thờ ơ với đồng bào đang trong cơn khó khăn hoạn nạn. Đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến em nhỏ đều sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền xuôi chống dịch, băng rừng vượt suối tìm hái rau rừng, thu lượm củ quả để đóng góp. Hình ảnh đẹp của Hồ Ánh Khiết và nhiều đồng bào dân tộc khác không chỉ là tấm gương để mọi người noi theo, mà còn để một số quan chức soi vào tự cảnh tỉnh.

Bên cạnh hình ảnh đẹp đẽ của cậu bé người dân tộc Ca Dong, cũng còn vô số những tấm gương về lòng nhân hậu, sự cảm thông, chia sẻ khác. Du học ở Úc hơn 10 năm, nhưng Trúc Phương vẫn giữ được nét đôn hậu, sự đồng cảm với những số phận cùng cực mà cô đã gặp. Vừa về nước gần một năm, Trúc Phương đã góp phần giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Với cô gái hơn hai mươi tuổi này, việc giúp đỡ được những mảnh đời khốn khó chính là niềm vui, là lẽ sống cuộc đời.

Ngoài việc quyên góp được số tiền đủ mua chiếc xe máy mới cho một người chạy xe ôm nghèo, Trúc Phương còn vừa quyên góp được gần 200 triệu đồng cho một hoàn cảnh đáng thương khác. Biết một người cha không quản hy sinh bản thân, liều mình bắt rắn hổ mang chúa với mục đích bán lấy tiền đóng tiền học cho con, không may bị rắn cắn thập tử nhất sinh, Trúc Phương thấy đau xót lắm. Cô đã kêu gọi quyên góp được 181 triệu đồng để giúp chữa trị cho người cha, thêm tiền đóng học phí cho các con của anh.

Trái với những hình ảnh đẹp, lòng nhân ái của Hồ Ánh Khiết, Trúc Phương và đồng bào các dân tộc, là những hình ảnh phản cảm của không ít kẻ vô liêm sỉ. Mặc dù tự vỗ ngực là giàu có, vàng đeo lủng lẳng đầy người, đi xe máy tay ga đắt tiền, thậm chí đi ô tô, nhưng thay vì làm những việc tốt, giúp đỡ đồng bào chống dịch, họ không ngại đến những điểm phát suất ăn, lương thực miễn phí để vơ vét, cướp đi cơ hội của những người nghèo, người vô gia cư. Đáng giận thay!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương phản hình ảnh