Chiều 19/11 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Nhiều thầy, cô trong số 200 nhà giáo tiêu biểu đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu.
Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Trường Đại học, Học viện, Trường Cao đẳng sư phạm trong ngành giáo dục
Tham dự Lễ Tuyên dương có: Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân. Đặc biệt là sự có mặt của 200 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023 vinh dự được Bộ trưởng Bộ GDĐT khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa trọng trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là các thầy giáo, cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành giáo dục trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, nhiều nhà giáo đã vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những nhà giáo được vinh dự tuyên dương dù mỗi người giữ một cương vị, đảm đương một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của các thầy cô là sự tâm huyết, trách nhiệm, hăng say yêu nghề; là sự quyết tâm không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất; là sự tận tụy, thầm lặng cống hiến trí tuệ, tâm sức cho sự nghiệp giáo dục.
Tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hôm nay trong 200 thầy cô giáo là những người tiên tiến, tiêu biểu, xuất sắc, tôi muốn nhắn thêm một điều: Sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước bắt đầu bằng những chủ trương của Đảng, bắt đầu bằng thể chế, bằng chính sách, bằng các chỉ đạo, quy định nhưng lý luận không thể xanh tươi như cuộc sống, các thầy các cô là những người triển khai sự đổi mới trong thực tế và bằng kinh nghiệm, bằng sự nỗ lực của mình các thầy cô là những người đầu tiên đã thành công trong thực tế. Và vì vậy. nhiệm vụ của các thầy các cô, những người vinh, danh là những người tiêu biểu, tiên tiến, xuất sắc còn phải góp phần lan toả những gì mình đã tâm đắc, lan toả những gì mình đã làm được, lan toả những gì mình đã tích luỹ được – đó là yếu tố đổi mới trong thực tế, bằng thực tế, bằng sự sinh động của kinh nghiệm. Mong rằng 200 thầy cô với những thành công của mình tiếp tục lan toả trong bộ môn của mình, trong tổ chuyên môn của mình, trong trường của mình, trong thôn bản của mình… Như vậy chúng ta sẽ có thêm sự lan toả kinh nghiệm của mình trong thực tế.
Trước đó, đại diện các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã có buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, dự Lễ trao giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam", vào viếng Lăng và báo công dâng Bác.
Tối 19/11, tại Đài truyền hình Việt Nam, các thầy cô sẽ tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Thay lời tri ân” năm 2023 do Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức và kỹ năng mới tiến bộ hơn, triển khai thành công công việc dạy học, trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò. Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Bởi thế, sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, thì sự đổi mới của ngành giáo dục chúng ta đạt được đến đó.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn