Dù ủng hộ việc xét tuyển bằng phương thức dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực nhưng phía các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng các kỳ thi này.
Tránh tạo sức ép cho thí sinh
Chỉ còn thời gian ngắn nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sẽ diễn ra. Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2021 và sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7.
Để chuẩn bị kết quả tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sắp tới, thời điểm này các trường đang tăng tốc ôn tập cho học sinh. Không chỉ ôn thi tốt nghiệp, năm nay, nhiều học sinh lựa chọn phương án xét tuyển đại học dựa vào điểm thi đánh giá năng lực khiến áp lực càng gia tăng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT cho biết, ông ủng hộ phương án xét tuyển này. Học sinh được thử sức nhiều lần ở các kỳ thi để lấy kết quả tốt nhất. Điều này sẽ tạo cơ hội vào đại học cho các em.
Tuy nhiên, TS Lâm cho rằng, cách thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phải khoa học, minh bạch và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH.NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, chất lượng học tập của học sinh có phần hạn chế hơn do học online trong suốt thời gian dài.
Trước những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh đại học năm nay, GS Nguyễn Mậu Bành nhận định, dù công tác tuyển sinh có thay đổi như thế nào nhưng cũng cần đặt người học lên trên hết, tránh tạo sức ép cho thí sinh để mục đích cuối cùng là tạo cơ hội cho các em và tuyển sinh được thí sinh có chất lượng.
Cần thống nhất chỉ đạo chặt chẽ
Việc nở rộ các phương thức xét tuyển, đặc biệt là phương thức dựa vào điểm thi đánh giá năng lực trong mùa tuyển sinh năm nay khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng về cơ hội trúng tuyển đại học.
Về vấn đề này, TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi cho hay, hiện nay Bộ GDĐT đang định hướng mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp THPT và hướng tới là cơ sở để các trường đại học xét tuyển.
Trong khi đó, trước đây, kỳ thi này là kỳ thi 2 chung: Dùng cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên mức độ phân loại của kỳ thi khác nhau. Khi kỳ thi có định hướng khác thì các trường sẽ phải có cách thức, phương án tuyển sinh để làm sao tuyển đúng đối tượng cần.
Khi Luật Giáo dục đại học ra đời giao quyền tự chủ toàn bộ về công tác tuyển sinh cho các trường thì trong giai đoạn đầu này, các trường cũng đưa ra nhiều phương án tuyển sinh và phương thức xét tuyển khác nhau.
TS Trần Khắc Thạc cho rằng, với kinh nghiệm, thực tế triển khai của các trường nói riêng và Bộ GDĐT nói chung sẽ có những định hướng để làm sao chỉ có một số phương thức tuyển sinh.
“Tuy nhiên, việc này cần thời gian để có sự sàng lọc tự nhiên, giống như chúng ta khi muốn có gì mới phải đưa ra các lựa chọn khác nhau để tìm ra các lựa chọn tốt nhất. Tôi cho rằng, chỉ trong một hoặc hai năm tới, các phương thức xét tuyển sẽ đi vào ổn định”, TS Trần Khắc Thạc nói.
Cho rằng việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh đại học sẽ gây phiền hà cho người học, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm không đồng tình về cách thức tuyển sinh của năm nay.
Theo TS Lê Viết Khuyến, dù Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có. Nhưng hiện nay, Bộ GDĐT đang thả nổi việc này dẫn tới việc “trăm hoa đua nở”.
Đánh giá kỳ thi đánh giá năng lực là xu hướng quốc tế, nhưng TS Khuyến cho rằng, cách thức tổ chức cần được Bộ GDĐT thống nhất chỉ đạo, quản lý chặt chẽ.
Theo chuyên gia này, kỳ thi này chỉ nên là một tiêu chí phụ, được tổ chức gọn nhẹ với những ngành đặc thù, ngành hot nhưng hiện nay, kỳ thi này đang dần trở thành một tiêu chí chính sẽ không ổn.
“Bộ GDĐT nên có những bước đi ổn định theo tinh thần của Nghị quyết 29, tổ chức tuyển sinh đại học và thi tốt nghiệp THPT giảm nhẹ, tránh phiền hà, nâng cao chất lượng”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.