Trong khi một số trường đại học (ĐH) top đầu bỏ phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT thì một số trường khác vẫn áp dụng xét tuyển bằng học bạ, song kèm thêm các tiêu chí khác để đảm bảo tuyển đúng thí sinh.
Thêm điều kiện tuyển sinh đại học bằng học bạ
Năm 2024, Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2023 với 7 phương thức riêng gồm xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức trong năm 2024… Tuy nhiên, điểm mới là ở các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường là 24 điểm trở lên.
Lý giải về việc bổ sung thêm điều kiện này, đại diện Trường ĐH Ngoại thương cho biết, để thống nhất áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức giỏi là 24 điểm cho các phương thức. Đồng thời có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như là một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hoá công tác đánh giá học sinh.
“Chúng ta cũng không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp cho hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn và tiệm cận với giáo dục quốc tế”, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nói và cho biết, hàng năm, nhà trường thực hiện đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau và nhận thấy chất lượng đồng đều giữa các phương thức.
Thông tin từ Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết, năm 2024, trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn, xét tuyển thẳng theo đề án của trường và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, với phương thức xét tuyển sử dụng học bạ THPT, thí sinh cần có điểm trung bình cộng các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học của năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (dự tuyển đợt 1, 2) hoặc lớp 11 và lớp 12 (dự tuyển đợt 3) từ 8,80/10 đến dưới 9,20/10. Riêng ngành Dược học ngoài mức điểm trung bình cộng như trên, thí sinh cần có thêm chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 hoặc TOEFL iBT đạt từ 35 điểm trở lên và đảm bảo học lực xếp loại giỏi trở lên trong năm lớp 12 tại thời điểm nhập học. Như vậy, bên cạnh điều kiện về điểm học bạ, để trở thành sinh viên của USTH cần vượt qua cả vòng phỏng vấn.
Bất ngờ với xét tuyển bằng học bạ
Số liệu thống kê do Trường ĐH Công thương TPHCM công bố mới đây về tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp ĐH các năm 2019 đến 2023 đối với đối tượng sinh viên xét tuyển bằng học bạ THPT cho thấy những bất ngờ. Theo đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc là 0,24%; loại giỏi là 5,44%; loại khá là 65,12%; loại trung bình là 29,2%. Trong khi đó, với nhóm sinh viên xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đạt 0,21 %; loại giỏi là 6,56 %; loại khá là 69,24 %; loại trung bình là 23,98%.
Từ số liệu này, Trường ĐH Công thương TPHCM đánh giá kết quả học tập qua các phương thức tuyển sinh của thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ. Riêng khóa sinh viên tốt nghiệp năm 2022, 2023, tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh xét phương thức học bạ gần tiệm cận với tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh xét phương thức điểm THPT.
Trong khi một số trường thông báo sẽ không áp dụng xét tuyển bằng học bạ THPT từ năm 2024 thì nhiều trường khác vẫn duy trì phương thức xét tuyển sử dụng kết quả bậc học THPT và một số trường khác sử dụng kết quả học bạ kết hợp với phỏng vấn hoặc thêm điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế… Theo các chuyên gia điều này là hoàn toàn bình thường, phản ánh đúng quá trình tự chủ tuyển sinh của từng trường với đa dạng các phương thức tuyển sinh để người học có nhiều lựa chọn phù hợp.
Tuy nhiên, từ số liệu phân tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều dễ nhận thấy là điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu thầy cô có “nương tay” với học sinh để các em có được bảng điểm đẹp, thuận lợi cho việc xét tuyển ĐH hoặc nâng điểm cho một số học sinh để các em đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Ngược lại, một số ý kiến lại băn khoăn về việc học tập là một quá trình, không nên phủ nhận việc đánh giá học sinh trong nhà trường THPT. TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng nếu làm trung thực, điểm học bạ có thể giúp theo dõi quá trình học của một học sinh, từ đó cũng dễ so sánh các thí sinh với nhau hơn. Vì vậy, TS Phương ủng hộ việc các trường top trên không sử dụng điểm học bạ làm tiêu chí duy nhất để xét tuyển sinh mà cần kết hợp với các điều kiện khác để việc xét tuyển công bằng, khách quan.