Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2024: 'Cơn lốc' IELTS

Nguyễn Hoài 04/03/2024 14:24

Sau yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng IELTS vào lớp 10 của Bộ GDĐT, việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng là thông tin đang được dư luận quan tâm.

Tính đến hôm nay (4/3), nhiều trường đại học trên cả nước đã thông báo phương án tuyển sinh năm 2024, trong đó hầu hết các trường đều áp dụng phương thức xét tuyển chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác với cách thức, tiêu chí xét tuyển riêng.

Mỗi trường một kiểu quy đổi điểm

Đầu tháng 3/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có thông báo phương tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Theo đó, trường dự kiến dành 15% chỉ tiêu xét tuyển kết hợp đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, chứng chỉ SAT tối thiểu 1200/1600, điểm trung bình chung học tập của 5 học kỳ bậc THPT từ 7,0 trở lên, hạnh kiểm của bậc THPT xếp loại Tốt (không tính học kỳ II năm lớp 12).

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, ở phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường cho phép thí sinh dùng điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế quy đổi để thay thế cho điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp cùng điểm quy đổi chứng chỉ và điểm ưu tiên (nếu có).

Mức điểm quy đổi cao nhất là 10, áp dụng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS 7.5 - 9.0 hoặc TOEFL iBT từ 102 trở lên hoặc TOEIC (L&R/S/W) mức 965/190/190 trở lên.

f6dccefdd8dd75832ccc-6279.jpg
Bảng quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Website nhà trường.

Theo Đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp A01, D01, D07) và cộng điểm thưởng khi xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy.

Tương tự, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho phép thí sinh quy đổi chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, thí sinh được tính 10 điểm nếu có chứng chỉ IELTS từ 7.0 trở lên. Thí sinh có IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) chấp nhận quy đổi chứng chỉ IELTS từ mức 5.0 trở lên.

Theo đó, điểm môn tiếng Anh trong học bạ hoặc thi tốt nghiệp THPT của thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 tương đương 8 điểm; 5.5 tương đương 9 điểm và 6.0 trở lên đạt mức tối đa 10 điểm. Mức quy đổi tương đương áp dụng với chứng chỉ TOEFL iBT và TOEIC 4 kỹ năng.

Tại Trường Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trường quy đổi IELTS 4.5 thành 7,5 điểm môn Tiếng Anh, áp dụng với phương thức ưu tiên xét tuyển, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp.

Cần cân nhắc kỹ

Sau yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng IELTS vào lớp 10 của Bộ GDĐT, việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng là thông tin đang được dư luận quan tâm.

W_z4467662636687_a05f1039822ca2fe303111aaad5e8591.jpg
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trước cách thức quy đổi điểm IELTS mỗi trường một khác, một số các trường đại học cho rằng, việc các trường đưa ra thang quy đổi hiện nay mang tính chất gần đúng, phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh. Các thang quy đổi cũng khác nhau do định vị của mỗi trường khác nhau.

Tuy nhiên, không riêng tuyển sinh vào lớp 10, xu hướng “chuộng” chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển đại học cũng khiến nhiều ý kiến lo ngại tình trạng học lệch.

Dù cho rằng đây là xu thế tất yếu song TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, xu thế này sẽ dần dẫn tới tình trạng tiêu cực, thí sinh học lệch, không tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh thành phố có điều kiện với các thí sinh vùng miền khác.

Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc tuyển sinh chỉ dựa vào 1, 2 môn học cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt ở một số ngành nghề đào tạo đặc thù cần kiến thức của một số môn học chuyên sâu.

Ví dụ như ngành Y cần sinh viên có kiến thức về môn Hóa học hoặc Sinh học nhưng nếu tuyển sinh ngành này mà dựa vào trình độ tiếng Anh thì sẽ không thể chọn được thí sinh có kiến thức môn Hóa và Sinh. Thậm chí, trường học đó có thể chọn phải những sinh viên học rất kém 2 bộ môn này.

Như vậy sẽ dẫn tới tình trạng khi các em vào học sẽ gặp khó khăn và sẽ đẩy tỉ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng tăng cao. Và đây là một thực tế đang tồn tại ở nhiều trường đại học.

Theo TS Vũ Thu Hương, các trường cần cân nhắc kỹ. Việc tuyển sinh dựa vào điểm IELTS chỉ phù hợp với các ngành học liên quan tới tiếng Anh, còn với ngành nghề khác thì chắc chắn sinh viên sẽ gặp khó khăn. “Như vậy, các trường sẽ đẩy khó khăn từ phía mình sang phía sinh viên và thậm chí làm nhiều em lỡ dở việc học”, TS Hương nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2024: 'Cơn lốc' IELTS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO