Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2025: Thay đổi để thích ứng

Thu Hương 02/03/2024 08:10

Từ năm 2025, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến điều chỉnh phương án tuyển sinh để phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

anh-bai-duoi-thay.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Trước thay đổi này, nhiều cơ sở giáo dục ĐH cho biết sẽ có phương án để điều chỉnh công tác tuyển sinh ĐH kể từ năm 2025.

Cụ thể, Trường ĐH Nha Trang là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên thông báo phương án xét tuyển dự kiến, trong đó không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh vào trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Cụ thể, trường lấy điểm của học sinh ở một số môn nhất định trong 3 năm THPT, tùy theo ngành đào tạo và phải đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Với điểm thi ĐGNL, trường tập trung vào khả năng suy luận logic và xử lý số liệu (Toán), ngôn ngữ (Tiếng Việt và Tiếng Anh) và giải quyết vấn đề (Khoa học). Theo TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang, thí sinh có thể lựa chọn và tham gia kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM, Hà Nội hoặc một số kỳ thi ĐGNL khác để lấy điểm thi này.

Liên quan tới kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, đơn vị sẽ có một phần xét tuyển theo phương thức tổ chức ĐGNL và dành tỷ lệ nhất định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sẽ tính toán lại và có thể giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này.

Giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là xu hướng mới, những mùa tuyển sinh gần đây, các trường đã áp dụng nhiều phương án tuyển sinh. Cụ thể, mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng 2023, Bộ GDĐT tổng kết có hơn 20 phương thức xét tuyển. Với xu hướng tự chủ tuyển sinh, các trường chủ động lựa chọn các phương án thi và xét tuyển riêng để chọn được thí sinh phù hợp. Trong đó, xu hướng các kỳ thi riêng đang được nhiều trường lựa chọn bởi những tiện lợi của kỳ thi này đem lại như tổ chức nhiều lần, không cần chờ đợi tới kết thúc năm học mới có thể tổ chức xét tuyển dù rằng Bộ GDĐT quy định các trường không được được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước thời gian Bộ quy định.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2025 ĐH Bách khoa giữ ổn định chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm xét tuyển tài năng theo điểm thi đánh giá tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ. Ông cũng lưu ý các thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh, tham gia kỳ thi ĐGNL hoặc đánh giá tư duy của các trường ĐH để có thêm cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức.

Theo các chuyên gia, dù các trường thay đổi phương án tuyển sinh ra sao thì mục tiêu cuối cùng vẫn là lựa chọn được học sinh phù hợp. Vì vậy, về phía học sinh, điều quan trọng vẫn là chuẩn bị kiến thức và kỹ năng, tìm hiểu ngành nghề cẩn trọng để có sự lựa chọn không chỉ đúng nguyện vọng yêu thích mà còn phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.

Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do Trường Dewey (Hà Nội) tổ chức vừa qua, chị Phạm Thái Bảo Ngọc, là MC - Biên tập viên của Đài truyền hình Việt Namcho biết, mỗi nghề nghiệp có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thông thường khi tư vấn, các chuyên gia hay vẽ nên bức tranh nghề nghiệp rất đẹp mà thiếu phần thách thức, khó khăn. Nếu có sự đồng hành của phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh đang công tác trong lĩnh vực đó thì sẽ tư vấn chuyên sâu tốt hơn để học sinh nhận thức rõ được đâu là lợi thế, năng lực của các con một cách thiết thực hơn, có nên chọn nghề không, khó khăn ra sao và cần vượt qua thách thức đó thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2025: Thay đổi để thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO