Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) phổ điểm các khối thi, tổng quan tương đối ổn định so với năm trước đây nên dự báo điểm chuẩn của các ngành, trường sẽ không có biến động lớn.
Ông Vinh phân tích, căn cứ vào số điểm thực tế đạt được, phổ điểm các môn và tổ hợp môn được Bộ GDĐT công bố, thí sinh có thể đối chiếu với điểm chuẩn những năm gần đây của ngành đó để cân nhắc đăng ký nguyện vọng. Trong đó điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh cần đáp ứng để đăng ký nguyện vọng. Do không phải là điểm trúng tuyển nên thí sinh cần căn nhắc kỹ để tránh việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng không cần thiết.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban phụ trách đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, căn cứ vào phổ điểm Bộ GDĐT công bố, có thể thấy điểm giỏi của các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử giảm so với năm 2022. Trong khi đó các môn Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm giỏi lại có xu hướng tăng nhẹ so với năm trước. Vì vậy, dự báo các tổ hợp có sử dụng các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử điểm chuẩn có thể giảm nhẹ. Các tổ hợp sử dụng các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ điểm chuẩn có thể tăng nhẹ.
“Đây chỉ là dự báo ban đầu, điểm chuẩn các ngành, các trường còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký. Những ngành có số lượng thí sinh đăng ký lớn chắc chắn điểm chuẩn sẽ thay đổi, các ngành có ít thí sinh đăng ký điểm chuẩn sẽ giảm” - ông Tuấn nêu quan điểm.
Chia sẻ, ông Vũ Khắc Ngọc - giáo viên Hóa thuộc hệ thống giáo dục Hocmai (TP Hà Nội) cho rằng, tương quan thể hiện trên phổ điểm chỉ đóng một vai trò nhất định trong việc xác định điểm chuẩn. Để đánh giá sự tăng hay giảm của điểm chuẩn còn căn cứ các yếu tố khác như tỷ lệ % chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp với mã ngành của cơ sở đào tạo. Ví như tỷ lệ % dành cho xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp nhỏ quá thì điểm chuẩn có thể nhích lên.
Với điểm mới về chính sách cộng điểm ưu tiên trong mùa tuyển sinh 2023, theo các chuyên gia sẽ tác động lớn đến các ngành “hot” với điểm chuẩn rất cao của mùa tuyển sinh đại học trước. Do thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều nên năm nay sẽ không còn tình trạng này tái diễn, có thể điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ ở một số ngành “hot”.
Trong khi đó, một trong những điều chỉnh trong tuyển sinh năm nay đó là khi thí sinh đăng ký nguyện vọng vào một ngành của trường nào đó, chỉ cần sắp xếp nguyện vọng này ở vị trí thứ mấy trên hệ thống đăng ký của Bộ GDĐT, không cần lựa chọn tổ hợp cụ thể như các năm trước. Điều này cũng sẽ tác động đến điểm chuẩn của tất cả các phương thức xét tuyển bởi phần mềm của Bộ GDĐT sẽ có nhiệm vụ tính cho thí sinh những phương án tối ưu để tỷ lệ trúng tuyển là cao nhất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Linh - Phó Trưởng phòng quản lý đào tạo và Công tác học sinh, sinh viên (ĐH Hà Nội) lưu ý, khi đăng nhập vào hệ thống tuyển sinh quốc gia, trên phần mềm sẽ có mục chọn căn cứ xét tuyển. Thí sinh cần kê khai toàn bộ những căn cứ xét tuyển đang có như: chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực… Lúc này, phần mềm sẽ tự động đối chiếu với tổ hợp, phương thức xét tuyển của từng ngành mà thí sinh đã đăng ký để lựa chọn cho thí sinh phương thức xét tuyển tối ưu nhất.