Tuyển sinh đại học năm 2023: Hồi hộp chờ kết quả

Thu Hương 11/08/2023 14:00

Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học (ĐH) sẽ công bố điểm chuẩn ĐH năm 2023 và kết quả xét tuyển đợt 1. Mặc dù sau đó sẽ có những đợt xét tuyển bổ sung song theo các chuyên gia, cơ hội sẽ không rộng mở như đợt xét tuyển đầu do nhiều trường đã tuyển đủ thí sinh.

Thí sinh tìm hiểu về ngành nghề tại Ngày hội tư vấn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.

Theo kế hoạch, từ ngày 12/8 đến 17 giờ ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký. Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8. Muộn nhất là 17 giờ ngày 22/8, thí sinh sẽ nhận kết quả xét tuyển trên hệ thống.

Mặc dù vậy, tới thời điểm này đã có một số trường thông báo điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Đơn cử, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ ĐH chính quy đợt 1 năm 2023 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là 14 điểm, áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo và các tổ hợp xét tuyển của trường.

Nhiều trường cũng đưa ra mức điểm chuẩn dự báo đối với các ngành hot của nhà trường những năm qua. PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, với các ngành hot như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, năm 2022 điểm chuẩn là 28,2, năm nay khó tăng cao hơn. Tương tự, điểm chuẩn ngành này của Trường ĐH Ngoại thương cũng 28,2 điểm; Học viện Ngân hàng 3 năm gần đây luôn dao động điểm chuẩn ngành này khoảng 27 điểm.

Từ nay đến khi có điểm chuẩn chính thức là khoảng thời gian thí sinh và gia đình cân nhắc một lần nữa về việc nhập học nếu trúng tuyển vào các nguyện vọng đã đăng ký hoặc tìm hướng đi khác phù hợp hơn nếu trượt ĐH hoặc đỗ vào nguyện vọng không quá yêu thích. Mặc dù đã được các chuyên gia cảnh báo về việc sắp xếp và đăng ký các nguyện vọng trên hệ thống chung song nhiều thí sinh để chắc đỗ đã đăng ký cả những nguyện vọng không thực sự mong muốn.

Chính vì vậy, xét tuyển bổ sung chính là cơ hội để thí sinh một lần nữa chọn ngành học mình cảm thấy yêu thích và phù hợp. Tuy nhiên, thêm một lần nữa chờ đợi trong khi cơ hội trúng tuyển bấp bênh nên các chuyên gia đề xuất thí sinh có thể cân nhắc nguyện vọng đã đỗ. Bởi hiện nay, việc học song bằng được nhiều trường khuyến khích, tạo điều kiện nếu sinh viên đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Hải Trường An - nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, hiện nay một ngành học ra sẽ làm được nhiều nghề, một nghề có thể người học nhiều ngành khác nhau làm việc. “Đừng mặc định học ngành marketing chỉ ra làm trong lĩnh vực này. Học ngành tâm lý vẫn có thể ra làm việc trong lĩnh vực marketing” - bà An nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dù học bất kỳ ngành nghề nào, điều quan trọng nhất là thí sinh phải luôn nỗ lực để phát triển bản thân thành người có năng lực trong lĩnh vực đó. “Trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, đều luôn luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Vì vậy, khi các em có đam mê, tâm huyết dành cho việc học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên sâu của mình thì không bao giờ phải lo lắng đến việc thiếu việc làm hay thu nhập không tốt” - bà Thủy nhấn mạnh và cho rằng đừng nghĩ chỉ học một vài năm là có thể ra làm được một nghề mà phải luôn luôn nghĩ rằng việc học là suốt đời, không chỉ dừng lại ở một tấm bằng ĐH hay cao đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học năm 2023: Hồi hộp chờ kết quả