Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhắn nhủ đến các thí sinh của mùa tuyển sinh năm nay.
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2016. (Ảnh: Anh Tuấn).
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường khi xây dựng đề án tuyển sinh phải bổ sung thông tin về tỷ lệ việc làm của năm 2015, năm liền kề sau 12 tháng tốt nghiệp nhằm cung cấp thông tin tham khảo hữu ích cho thí sinh, giúp thí sinh nắm được những ngành nghề mình lựa chọn hiện tại được xã hội chấp nhận tới đâu và tương lai sau 4- 5 năm nữa.
Những con số khả quan
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, điểm mới của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay chủ yếu khắc phục những bất cập của năm trước như tạo điều kiện để thí sinh được lựa chọn mục tiêu phấn đấu ngay từ đầu, không giới hạn nguyện vọng giúp cho khả năng trúng tuyển của thí sinh sẽ cao hơn.
“Về tỷ lệ ảo của các trường năm nay cũng sẽ không nhiều. Các trường cũng cần phải dự đoán về số lượng thí sinh tuyển được, đồng thời phải xác định điểm trúng tuyển và tỷ lệ trúng tuyển sát với chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ sẽ phối hợp với các trường trong quá trình tuyển sinh, nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”- bà Phụng cho biết.
Một điểm mới nữa là năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường khi xây dựng đề án tuyển sinh phải bổ sung thông tin về tỷ lệ việc làm của năm 2015, năm liền kề sau 12 tháng tốt nghiệp THPT. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho thí sinh, giúp thí sinh nắm được những ngành nghề mình lựa chọn hiện tại được xã hội chấp nhận tới đâu và tương lai thế nào sau 4- 5 năm nữa ra trường. Bà Phụng cũng khẳng định thông tin này buộc phải trung thực và sẽ có giám sát, kiểm tra.
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công khai thống kê số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thực hiện khảo sát về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp 6 tháng. Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2016 đến tháng 1-2017 cho thấy tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm là 91%, 4% học tiếp và 5% chưa có việc làm. Với mức lương trung bình đạt 8,2 triệu đồng/tháng, có đến 91% sinh viên được làm đúng ngành.
Cũng đưa ra những con số khả quan, Học viện Tài chính cho biết tỷ lệ sinh viên của học viện có việc làm chiếm 96,5%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm chiếm 3,5%, hầu hết trong số này đang tiếp tục học nâng cao.
Nhiều trường khác cũng công bố tỷ lệ việc làm của sinh viên ra trường cao trên 90% như ĐH Dược Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghệ Đồng Nai…
Giám sát công bố thế nào?
Mặc dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ việc công bố này của các trường tuy nhiên nhiều người cho rằng việc này khó khả thi.
Cụ thể, trong công văn 4806 về việc báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nội dung báo cáo (tính theo ngành đào tạo) yêu cầu nêu rõ: Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra dựa trên 3 chỉ tiêu: Có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc làm và đang học nâng cao;
Khu vực làm việc của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo phân tích kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp đang làm việc theo khu vực (khu vực nhà nước, tổ chức tư nhân, liên doanh với nước ngoài); Đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp: Báo cáo đánh giá tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp và đưa ra các kiến nghị trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học hoặc những thay đổi khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường.
Đại diện nhiều trường cũng thẳng thắn cho biết việc thu thập thông tin này không đơn giản khi các em đã rời ghế nhà trường. Thông qua nhiều kênh liên lạc như website của nhà trường, điện thoại trực tiếp, email, bưu điện, mạng xã hội…
Tuy nhiên, việc liên lạc này nhiều khi cũng khó khăn. Phiếu khảo sát khi phát đi rồi thường nhận lại phản hồi từ 40-60%, thậm chí có trường còn nhận được phản hồi từ cựu sinh viên thấp hơn. Vì vậy, theo lãnh đạo của một trường ĐH, kinh nghiệm của trường là đầu tiên làm việc với các em khi còn đi học là cán bộ lớp và sau này đi làm làm ở ngay chính địa phương các em đã học ĐH thì tính sâu sát, nắm bắt thông tin sẽ dễ hơn. Ngoài ra, có thể trực tiếp gọi điện thoại để điền bảng khảo sát thay vì gửi câu hỏi đi và thụ động chờ đợi sự trả lời. Bởi rất nhiều em thay đổi email hoặc không thường xuyên check email đó…
Từ kinh nghiệm triển khai của trường ĐH Ngoại thương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ yêu cầu các trường thống kê việc làm của sinh viên sau khi ra trường để xem xét nhiều khía cạnh. Đây là việc làm cần thiết, trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp sẽ giúp các trường xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo, điều chỉnh, cập nhật nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động. Có thể ban đầu không dễ nhưng khi trở thành quy định bắt buộc của Bộ GD&ĐT thì các trường phải triển khai bài bản, chú trọng tới việc chăm sóc, liên hệ với sinh viên sau khi tốt nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn.