Cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông tin về phương án tuyển sinh 2022. Theo đề án tuyển sinh của các trường, phương thức tuyển sinh ngày một đa dạng hơn; chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT cũng đang dần giảm đi.
Đa dạng các phương thức tuyển sinh
Cụ thể, năm 2022, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh tổng 6.100 chỉ tiêu. Trong đó phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường là 80-85%. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 10-15%. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên.
Về phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trường sẽ tuyển theo 7 nhóm đối tượng (có quy định cụ thể). Trong đó trường dành suất xét tuyển ĐH với đối tượng có chứng chỉ ngoại ngữ lên tới 10-15% chỉ tiêu.
Như vậy có thể thấy, năm 2022 chỉ tiêu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất từ trước đến nay. Những năm trước, trường thường dành khoảng 50% - 70% chỉ tiêu, năm nay chỉ còn 10 - 15%. Trong khi đó, điểm trúng tuyển năm 2021 theo phương thức này của trường từ 26,85 điểm trở lên.
Trường ĐH Kinh tế - Luật ( ĐH Quốc gia TPHCM) công bố 5 phương thức tuyển sinh trong năm 2022. Trong đó, trường sẽ đa dạng hình thức tuyển sinh, tăng chỉ tiêu từng phương thức, đặc biệt là tăng chỉ tiêu xét tuyển phương thức xét kết quả điểm thi kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2022 từ 40% - 60% tổng chỉ tiêu. Phương thức ưu tiên xét tuyển cũng tăng từ 20% tổng chỉ tiêu.
Trong đề án tuyển sinh 2022 của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhà trường sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trong năm 2022. Việc bổ sung thêm phương thức này, theo nhà trường - nhằm đa dạng hóa phương thức xét tuyển và tạo thêm cơ hội cho các thí sinh có nhu cầu xét tuyển vào các ngành do trường đào tạo. Theo đó, trường dự kiến dành 5% - 10% chỉ tiêu tùy ngành, nhóm ngành cho phương thức này.
Tự chủ tuyển sinh đại học
Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã tổ chức Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa nhóm trường ĐH tham gia và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển ĐH năm 2022.
Theo nội dung biên bản thỏa thuận, các trường ĐH gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Mỏ - Địa chất; Trường ĐH Thăng Long; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đã nhất trí ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện trong năm 2022 để xét tuyển ĐH.
Thống kê mới nhất cho thấy, năm 2022 sẽ có gần 50 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển ĐH. GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của nhà trường là đổi mới chính sách tuyển sinh theo hướng tiếp cận từ năng lực của từng học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng đầu ra đảm bảo thích ứng nhanh với thị trường lao động.
Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để làm cơ sở tuyển sinh đầu vào. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo sẽ chủ động bổ sung thêm các phương thức xét tuyển phù hợp khác để tuyển sinh thích ứng theo ngành đặc thù. Nhiều ngành đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả bài thi ĐGNL lên đến 40% so với các phương thức xét tuyển khác.
Có thể thấy, tuyển sinh bằng ĐGNL, đánh giá tư duy với sự kết hợp giữa các trường ĐH, CĐ đang là xu thế tuyển sinh của các trường “top” đầu, góp phần giảm chi phí của xã hội. Cùng với đó, khi kỳ thi do các nhóm trường tổ chức để tuyển sinh phát triển, sự lệ thuộc vào điểm tốt nghiệp THPT sẽ giảm dần.
Trong phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 được công bố hồi đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.
Ngoài ra, thay vì dựa hoàn toàn vào điểm thi, năm 2022, một số cơ sở giáo dục ĐH cũng đã bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn…để tuyển sinh.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng: Đây là dấu hiệu tích cực và hướng đi mới trong công tác tuyển sinh. Bởi sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ nằm ở thước đo kiến thức, mà còn là các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác.