Kết thúc kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, việc chấm thi sẽ được tiến hành ngay, và sẽ hoàn thành trước ngày 30/6. Nhận định đề thi giảm độ khó, phổ điểm các môn đều ở tầm điểm 6,5- 8 điểm, các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dự đoán điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2021-2022 sẽ tăng.
Hơn 2.000 giáo viên, cán bộ tham gia chấm thi
Theo đó, toàn thành phố sẽ thành lập một ban chấm thi, một ban làm phách. Ban chấm thi được thành lập theo quyết định của Sở GDĐT Hà Nội, dự kiến sẽ có 2.335 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi. Cán bộ chấm thi được huy động bao gồm 50% là giáo viên THCS và 50% là giáo viên THPT. Năm nay, do bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm nên việc chấm thi 2 môn này sẽ được tiến hành trên máy.
Theo dự kiến, chậm nhất ngày 29/6, Sở GDĐT Hà Nội sẽ hoàn tất công tác chấm thi; tiến hành ghép điểm xét tuyển, in phiếu kết quả cho từng thí sinh, cấp phiếu báo kết quả thi cho các phòng GDĐT. Dự kiến ngày 30/6 sẽ công bố kết quả thi; đồng thời cũng trong ngày 30/6 Sở GDĐT Hà Nội sẽ họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn của từng trường THPT công lập (hệ chuyên và không chuyên). Như vậy, năm nay Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn ngay sau khi thí sinh biết điểm thi.
Sở GDĐT Hà Nội quy định điểm xét tuyển là căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên kết quả 4 bài thi các môn: Ngữ văn (hệ số 2), Toán (hệ số 2), Ngoại ngữ, Lịch sử và điểm ưu tiên (nếu có).
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 30/6/2021, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên cổng thông tin điện tử của Sở (địa chỉ http://hanoi.edu.vn), sổ liên lạc điện tử và hệ thống hỗ trợ 1080. Sau đó, Sở GDĐT sẽ họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn trường chuyên và các trường THPT công lập không chuyên. Từ ngày 1- 3/7 là thời gian để thí sinh xác nhận nhập học.
Theo văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
Điểm 7-8 sẽ là phổ biến
Theo đánh giá của cô Đỗ Khánh Phượng- giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội): Đề thi Ngữ văn năm nay rút ngắn thời gian làm bài, tương ứng với đó thì dung lượng đề thi có sự giảm đi. Với đề thi này, phổ điểm trung bình của học sinh có thể đạt 6,5 - 7 điểm.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường- giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán của Sở GDĐT Hà Nội, cấu trúc đề thi và các dạng giống như các năm gần đây. Nhìn chung với đề thi này là phù hợp với thời lượng 90 phút và vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Phổ điểm chung mà học sinh có thể đạt được là 7 điểm. Tuy nhiên với những học sinh ôn tập bài bản và kỹ thì điểm 8-9 các em hoàn toàn có thể đạt được.
Thầy Nguyễn Trung Nguyên - giáo viên môn tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá, với đề thi tiếng Anh năm nay, phổ điểm mà các em có thể nhận được là từ 6,5 - 7,5 điểm. Điểm 9 - 10 có thể sẽ nhiều hơn năm trước. Môn Lịch sử được đánh giá là nhẹ nhàng nhất trong số 4 môn thi.
Nhiều giáo viên chỉ ra rằng đề thi vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng, không có câu hỏi dạng so sánh hoặc khái quát tổng hợp hay liên chuyên đề.
Cô Trần Mai - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định đề thi vừa sức, bám sát với chương trình học sinh đã học. Kiến thức trong đề thi phủ toàn bộ chương trình Lịch sử lớp 9. Với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt, phổ điểm sẽ ở mức 8 điểm.
Khả năng điểm chuẩn sẽ nhích lên
Căn cứ vào nhận định của các thầy cô ở Hà Nội về đề thi 4 môn thì phổ điểm các môn đều nhích hơn so với năm 2020 (thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và năm 2019 (thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử).
Từ thực tế đề thi tuyển sinh, có thể dự đoán điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tại Hà Nội sẽ tăng hơn so với 2 năm trước. Dao động về điểm chuẩn có thể rõ rệt hơn ở các trường “top” đầu trong các khu vực tuyển sinh, do đây là những trường thu hút nhiều học sinh có học lực khá, giỏi đăng ký nguyện vọng 1. Theo đó, nếu trung bình học sinh đạt điểm 8 ở tất cả các môn thì hi vọng đỗ vào các trường “top” đầu của Hà Nội cũng tăng cao hơn mọi năm. Đây sẽ là lý do các trường sẽ tăng điểm chuẩn.
Về điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 Hà Nội, một so sánh đối chiếu cũng cho thấy, trong 3 năm qua 2018, 2019 và 2020, trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) lấy điểm đầu vào cao nhất. Trong khi đó, trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) đứng thứ 2 với 41,5 điểm, thấp hơn Trường Chu Văn An gần 2 điểm. Đây cũng là 2 trường có tỉ lệ chọi cao nhất, lần lượt là 1/3,4 và 1/2,6.
Mùa tuyển sinh năm 2020, các trường lấy điểm cao nhất còn có Phan Đình Phùng (40,5), Thăng Long (40,5), Yên Hòa (40,25), Việt Đức và Lê Quý Đôn - Hà Đông (40), Nguyễn Gia Thiều (39,75), Nguyễn Thị Minh Khai (39,75), Nhân Chính (39,25). Các trường này đều thuộc nội thành. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên đều có 1-2 trường có điểm chuẩn cao.
Theo phân luồng của UBND TP Hà Nội, chỉ khoảng 62% trong tổng số thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2021- 2022 có suất học tại các trường THPT công lập; 22% số học sinh sẽ theo học trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính; 8% được tuyển vào trung tâm GDNN-GDTX. 8% còn lại sẽ tham gia học nghề.
Khoảng 8.000 học sinh Hà Nội thi vào lớp 10 chuyên và song bằng
Sau khi hoàn thành Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập (ngày 12 - 13/6), từ ngày 14 -16/6, gần 8.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội đã tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên (thuộc 4 trường chuyên trực thuộc Sở GDĐT) và lớp 10 song bằng tú tài năm học 2021-2022.
Trong số 4 trường chuyên, có 2 trường tuyển sinh chương trình đào tạo song bằng tú tài (học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc) là Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT Chu Văn An.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố có 7.702 thí sinh đăng ký dự thi (nguyện vọng 1) vào các lớp chuyên. Trong đó, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất với 3.083 em, tiếp theo là Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với 2.343 thí sinh, Trường THPT Chu Văn An có 1.953 thí sinh và Trường THPT Sơn Tây có 323 thí sinh.