Hiện nhiều trường THPT ngoài công lập đã bắt đầu nhận đơn đăng ký của học sinh (HS) chuẩn bị vào lớp 10. Cụ thể, HS có nguyện vọng dự tuyển nộp đơn trực tiếp tại trường, thời hạn đăng ký đến ngày 31/7. Sau khi nhà trường có kết quả xét tuyển, HS trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học từ ngày 1/8 đến ngày 15/8.
Nhận đơn sớm, sắp chỗ sớm
Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2020-2021, các trường THPT ngoài công lập tuyển sinh vào lớp 10 theo hai phương án xét tuyển. Một là nhà trường xét tuyển căn cứ vào kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức. Hai là nhà trường có thể xét tuyển học bạ cấp THCS của HS. Các trường có thể lựa chọn một trong hai phương án tuyển sinh hoặc kết hợp cả hai phương án. Ngoài các phương thức xét tuyển trên, các trường công lập tự chủ tài chính, trường tư thục không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng phương thức khác để tuyển sinh.
Theo phương án đã được công bố, trong tổng số 105 trường công lập tự chủ tài chính và tư thục, có 12 trường xét tuyển lớp 10 dựa vào kết quả thi (1); 91 trường xét tuyển bằng học bạ (2) và 2 trường sử dụng kết hợp cả 2 phương thức (1 và 2).
Đơn cử như Trường THPT Vạn Xuân, Long Biên, trường nhận đăng ký trực tuyến trên fanpage, website của nhà trường hoặc HS đến trường mua hồ sơ từ 15/6 đến 19/7. Từ 20/7 đến 05/8: HS đến trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Từ 3/8 đến 5/8: Nhà trường cập nhật vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh và xác nhận nhập học của Sở, in Phiếu xác nhận nhập học cho HS. Ngày 6/8/2020: Nhà trường công bố danh sách HS trúng tuyển và HS tập trung học nội quy, chép thời khóa biểu, nhận sách giáo khoa, chuẩn bị sinh hoạt chuyên đề ngày 8/8/2020. Những HS không trúng tuyển trả hồ sơ từ 13/8.
Tuy nhiên, nếu căn cứ theo kế hoạch tuyển sinh do Sở GDĐT thông báo trước đó, thời gian nộp hồ sơ nhập học tại các trường THPT công lập năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 12 đến hết ngày 15/8. Như vậy, nhiều HS đã trúng tuyển, nộp hồ sơ, thậm chí đi học tại trường THPT ngoài công lập rồi thì mới nhận được kết quả trúng tuyển trường công lập. Lựa chọn đi hay ở, rút nộp hồ sơ giữa các trường chắc chắn sẽ diễn ra.
Xác định rút hồ sơ mất phí
Trên thực tế, mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 ở Hà Nội đã một phen nháo nhào khi Sở công bố điểm thi nhưng không công bố phổ điểm. Thấy điểm thi vào lớp 10 của con chỉ bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn năm trước của trường THPT công lập đăng ký nguyện vọng 1, nhiều phụ huynh đã nộp đơn vào các trường ngoài công lập ngay trước thời điểm công bố điểm chuẩn trường công lập. Sau gần 1 tuần, Sở GDĐT mới công bố điểm chuẩn của 110 trường công lập, với mức giảm từ 1-3 điểm so với năm trước. Thêm gần 1 tuần nữa, 35 trường THPT có điểm chuẩn bổ sung được Sở GDĐT Hà Nội công bố tiếp. Khi đó, việc rút hồ sơ đã nộp vào trường ngoài công lập để nộp sang trường công lập với nhiều gia đình thực sự khó khăn do các trường không tạo điều kiện.
Trong năm học vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội qui định tất cả HS tham gia dự tuyển vào lớp 10 phải xác nhận nhập học khi đã trúng tuyển. Nếu trúng tuyển vào trường công lập, HS có thể xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.
Năm nay, Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Văn Đại cũng thông tin HS sẽ nhận lại hồ sơ dự tuyển cùng với Phiếu báo kết quả thi vào ngày 3/8 tại cơ sở giáo dục nơi HS đăng ký dự thi. HS sử dụng hồ sơ này để nhập học tại các trường THPT; trung tâm GDNN-GDTX đủ điều kiện trúng tuyển.
Đối với những HS muốn rút hồ sơ, ông Đại lưu ý, trong thời gian tuyển sinh, HS đã nộp hồ sơ nhập học, được quyền rút hồ sơ (nếu có nhu cầu); các trường tạo điều kiện để HS rút hồ sơ và xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, đồng thời thực hiện thao tác hủy nhập học trên hệ thống phần mềm. Trường hợp HS có NV chuyển trường sang tỉnh, thành phố khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường, không xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển.
Lãnh đạo Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, rút hồ sơ là quyền của mỗi HS nhưng cần cân nhắc cẩn thận (đặc biệt về thời hạn tuyển sinh) vì sau khi rút hồ sơ, nhà trường sẽ xóa tên trong danh sách trúng tuyển và tuyển bổ sung HS khác. HS muốn rút hồ sơ phải có đơn ghi rõ lý do (theo mẫu) và nộp tại văn phòng. Sau thời gian tuyển sinh trên nhà trường không chịu trách nhiệm đối với những HS đủ điểm chuẩn nhưng chưa làm thủ tục xác nhận nhập học.
Đối với các trường ngoài công lập, khi HS muốn rút hồ sơ, cần cân nhắc kỹ vì hầu hết các trường đều thông báo rõ ngay từ khi tuyển sinh là sẽ không hoàn trả lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ. Đơn cử như Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lưu ý phụ huynh cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ bởi muốn rút ra thì sẽ không được nhận lại khoản lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ là 4,5 triệu đồng. Với các em học ở trường, lệ phí sẽ chuyển thành phí xây dựng trường hai năm tiếp theo.
Tương tự, thông báo tuyển sinh của Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) nêu rõ, tất cả HS có nguyện vọng vào trường Olympia phải trải qua phần phỏng vấn và bài kiểm tra dự tuyển đầu vào. Phụ huynh cũng sẽ trải qua một bài khảo sát để nhà trường hiểu rõ nhu cầu, mục tiêu và định hướng của mỗi gia đình. Để tham gia dự tuyển, học sinh đóng phí 3,1 triệu đồng và không được hoàn lại dù học sinh có học tại Olympia hay không.
Năm nay việc nhập học sẽ chỉ kéo dài trong 4 ngày thay vì 15 ngày như trước, do thời gian nghỉ học kéo dài, khiến thời gian tuyển sinh lùi lại gần 2 tháng. Vì vậy, ngay từ bây giờ các bậc phụ huynh và thí sinh nên cân nhắc các phương án có thể xảy ra luôn để hành động thay vì bị động ngồi chờ kết quả hoặc cuống quýt bài toán nộp hồ sơ rồi lại rút như kinh nghiệm các năm trước. Trong đó, cần tính toán đến cả phương án các trường hạ điểm chuẩn vì thực tế đã có năm xảy ra.