Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cam go vừa qua, hiện nay hàng nghìn học sinh vừa học xong tiểu học (lớp 5) ở TPHCM lại bước vào kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) tuyển sinh vào lớp 6 (bậc THCS) với mức độ có phần khó khăn hơn.
Thời gian qua, sức nóng của tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM đang tăng khi số lượng các trường THCS tổ chức tuyển sinh bằng bài thi ĐGNL tăng, tỉ lệ chọi của các trường cũng khá cao.
Khoảng vài năm trước, mỗi năm chỉ có 1 hoặc 2 trường THCS tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 ở TPHCM. Thông thường, học sinh sau khi hoàn thành bậc tiểu học sẽ nộp hồ sơ, bảng điểm vào các trường THCS trên địa bàn có nhu cầu để xét tuyển. Thực tế, việc tuyển sinh của phần lớn học sinh lớp 6 ở TPHCM năm học 2024 - 2025 này đã dễ dàng, thuận lợi hơn do các trường phối hợp với chính quyền địa phương xét tuyển theo hình thức nơi ở hiện tại. Nghĩa là học sinh sẽ được ưu tiên học tại trường THCS gần nơi ở hiện tại nhất (kể cả các trường hợp ở trọ, tạm trú…). Với khoảng 128.000 học sinh, việc xét tuyển theo hình thức này được cho là hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có hàng nghìn học sinh phải vất vả thi vào lớp 6, chủ yếu là các trường điểm, có chất lượng được cho là tốt hơn.
Đầu tiên là Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận 1), ngôi trường hiếm hoi nhiều năm liên tục tổ chức thi tuyển bằng bài thi ĐGNL vào lớp 6. Năm học này, theo thống kê từ nhà trường sẽ có 4.300 học sinh tham gia thi ĐGNL để cạnh tranh 350 chỉ tiêu vào lớp 6. Nghĩa là, trung bình tỉ lệ chọi của trường là 1/12. Đây là tỉ lệ chọi thuộc top cao nhất ở TPHCM bởi danh tiếng của trường thu hút nhiều học sinh tham gia. Cũng tổ chức thi tuyển bằng bài thi ĐGNL là Trường THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ và THCS Trần Quốc Toản 1 (đều ở thành phố Thủ Đức) và Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Thủ Đức, đây là lần đầu tiên các trường THCS trên tổ chức thi ĐGNL để tuyển sinh. Ông Nguyên cho biết có gần 2.900 em học sinh đăng ký vào học 3 trường nêu trên trong khi tổng chỉ tiêu chỉ có 980 suất (tương đương tỉ lệ chọi là 1/3). Vì vậy các trường sẽ tổ chức thi tuyển bằng bài thi ĐGNL để chọn lựa học sinh tốt nhất, bên cạnh một số tiêu chí khác như học bạ, xếp loại đạo đức... Trong khi đó, tỉ lệ chọi 1/3 cũng là con số mà các em học sinh đăng ký dự thi vào Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) phải đối mặt. Với 500 chỉ tiêu nhưng có tới hơn 1.600 em học sinh đăng ký, trường cũng buộc phải tổ chức thi tuyển bằng bài thi ĐGNL để lựa chọn.
Ngoài các trường THCS nêu trên, tại TPHCM còn có Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn) cũng tổ chức thi tuyển bằng bài thi ĐGNL với kiến thức tổng hợp và môn ngoại ngữ là tiếng Anh. Được biết, tỉ lệ chọi của trường này cũng không hề kém các trường THCS nằm ở trung tâm TPHCM khác do nhu cầu của phụ huynh học sinh trong vùng rất cao. Chị Hoàng Vy (37 tuổi), một phụ huynh ở huyện Hóc Môn cho biết, khoảng 3 tháng gần đây gia đình chị đang rất lo lắng vì con trai chuẩn bị thi vào Trường THCS Nguyễn An Khương. Chị đã thuê gia sư dạy thêm tiếng Anh cũng như cho con học thêm một số môn học xã hội khác ở cấu trúc đề thi mà ngành giáo dục công bố để tăng khả năng con đậu vào trường này.
Trước đó, theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM thì Bộ GDĐT quy định không được thi tuyển sinh lớp 6 và ngành giáo dục TPHCM cũng không chủ trương mở rộng việc này. Tuy nhiên tại một số trường THCS trên địa bàn có số lượng học sinh đăng ký cao gấp nhiều lần khả năng tiếp nhận nên Ban chỉ đạo tuyển sinh một số quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã xin phương án tổ chức thi ĐGNL để lựa chọn học sinh. Việc tổ chức thi ĐGNL của các trường này được áp dụng theo Thông tư 05/2018 của Bộ GDĐT.
Được biết, điểm khác biệt của các thí sinh thi tuyển sinh bằng bài thi ĐGNL để cạnh tranh vào lớp 6 là nếu thi không đậu những trường trên, các em vẫn có cơ hội theo học tại các trường THCS theo quy chế tuyển sinh chung do hệ thống đăng ký thi tuyển và đăng ký theo học là độc lập. Điều này khác biệt so với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là nếu không đậu nguyện vọng, các em có thể phải theo học trường tư thục, dân lập hay đi học nghề.