Những ngày này, tại Hà Nội vấn đề được đông đảo phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 10 quan tâm là liệu có thi môn thứ 4? Đa phần mong muốn bỏ môn thi thứ 4, hay nếu thi nên công bố từ sớm để học sinh chủ động ôn tập, tránh việc các em phải học quá tải.
Lo áp lực
Cũng giống như phần lớn các bạn cùng lớp, Trần Quang Minh - học sinh lớp 9 Trường THCS Tứ Hiệp (Hà Nội) cho biết em đang học thêm cả 3 môn Toán, Văn, Anh ngay từ khi bắt đầu năm học. Minh dự định đăng ký nguyện vọng 1 và 2 lần lượt vào Trường THPT Việt Nam - Ba Lan và THPT Ngọc Hồi, đều ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). “Nếu đăng ký trường có điểm chuẩn thấp hơn thì xa nhà, bố mẹ em không yên tâm. Nhưng 2 trường trên, dự kiến mỗi môn phải trên 8 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. Em mong muốn thi môn thứ 4 để biết đâu có thêm cơ hội gỡ điểm cho 3 môn còn lại” – Minh nói.
Còn Phạm Hoàng Khôi Nguyên - học sinh lớp 9 ở Ba Đình, Hà Nội dự định đăng ký thi vào lớp chuyên Lý, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường THPT Kim Liên cho biết, để nâng cao cơ hội đỗ, hiện em đang học thêm 4 môn, trong đó riêng Vật lý là học 2 nơi nên đã kín lịch. Nếu thi thêm môn thứ 4 mà không phải Vật lý thì sẽ không biết sắp xếp thời gian nào đi học ôn. “Lên cấp 3 chúng em cũng được chọn môn học ngoài 7 môn bắt buộc. Vậy việc thi thêm môn thứ 4 để tránh học lệch có lẽ không cần thiết” - Nguyên nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), dùng việc tuyển sinh đầu cấp để chống học lệch là cách làm không còn phù hợp. Kể từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, việc thi môn thứ 4 theo cách trên là không cần thiết, thi vào lớp 10 chỉ nên chọn những môn mà học sinh bắt buộc học ở bậc THPT.
Thực tế ở nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, chỉ tổ chức thi 3 môn vào lớp 10 cho thấy lo ngại việc học lệch, học tủ không phải là phổ biến.
Mong sớm công bố
Đây không phải là năm đầu tiên phụ huynh và học sinh Thủ đô mong ngóng và có ý kiến về môn thi thứ 4 vào lớp 10. Kể từ năm 2019, khi lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi 4 môn sau hàng chục năm chỉ tổ chức thi 2 môn Toán và Ngữ văn, nhiều người đã bày tỏ mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm công bố môn thi thứ 4 để học sinh chủ động ôn tập sớm, giảm áp lực.
Tuy nhiên, Sở GDĐT Hà Nội nhiều lần cho biết việc công bố môn thứ 4 vào tháng 3 nhằm tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Bởi nếu công bố sớm, lo ngại các em sẽ không học các môn không thi, dẫn tới không đảm bảo chất lượng dạy và học.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, các trường đều thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu đặt ra nên việc đảm bảo chất lượng của tất cả các môn học không phải là vấn đề quá lo lắng. Dù thi môn thứ 4 hay không thì ngay trong quá trình học THCS, 3 môn sẽ thi là Toán, Văn, Anh vẫn được học sinh và các nhà trường chú trọng hơn. Riêng môn thi thứ 4 khi được công bố lúc đó nhà trường, học sinh mới tăng tốc, tập trung ôn tập. Như vậy, mục đích tránh học lệch cũng không đạt được triệt để.
Về phía nhà trường, thời điểm này thầy và trò đều đang triển khai dạy và kết hợp ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức, sẵn sàng cho việc thi bất cứ môn học nào. Bà Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện nhà trường đã lên kế hoạch tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng học sinh. Dự kiến đợt 1 là vào đầu tháng 3 với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, đợt 2 vào đầu tháng 5 với các môn mà Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố.
Trên thực tế, dù có hay không thi môn thứ 4 thì học sinh vẫn phải đảm bảo học đều, nắm vững kiến thức ở tất cả các môn để chuẩn bị hành trang, nền tảng tốt nhất vào THPT. Khi đó, các em được lựa chọn học theo tổ hợp ngoài những môn bắt buộc đúng với sở trường, nguyện vọng của bản thân.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết trong tuần này sẽ trình UBND thành phố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, trong đó có phương án thi lớp 10.