Quốc tế

Tuyết đầu mùa từ Đông Á đến Bắc Mỹ

THẾ TUẤN 08/12/2024 22:28

Mùa đông tuy mới bắt đầu nhưng tuyết đã rơi dày từ Đông Á đến Bắc Mỹ . Trong 10 ngày qua, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã đón những trận mưa tuyết ở mức kỷ lục.

ba.jpg
Công nhân dọn tuyết trước một tòa chung cư ở thành phố Goyang (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc).

Theo Hãng thông tấn Yonhap, kể từ ngày 28/11 tuyết rơi dày tại thủ đô Seoul và đây cũng là trận mưa tuyết lớn thứ ba kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1907. Đợt tuyết này cũng phá vỡ mọi kỷ lục về lượng tuyết rơi trong cuối tháng 11 đến hết tuần đầu tiên của tháng 12 từ trước đến nay.

Đợt tuyết rơi dày “trăm năm có một” ở Hàn Quốc đã khiến hơn 220 chuyến bay bị hủy, 99 chuyến phà trên 76 tuyến đường biển bị đình chỉ, nhiều chuyến tàu hỏa bị hoãn và ít nhất 5 người thiệt mạng do tiết trời lạnh giá.

Tại tỉnh Gyeonggi (giáp thủ đô Seoul), tuyết rơi dày nhất, khiến nhiều công trình phủ đầy tuyết bị sập và xe buýt bị trượt dài trên đường, gây tai nạn. Khoảng 1.285 trường học, bao gồm cả trường mẫu giáo, đã đóng cửa tại tỉnh Gyeonggi. Trong khi đó, cảnh sát thành phố Wonju thuộc tỉnh Gangwon cho biết, chỉ trong một tối đã có 11 người bị thương trong vụ va chạm liên hoàn giữa 53 xe ô tô trên xa lộ.

Tại Seoul, tuyết rơi dày tới 40 cm. Tòa nhà Quốc hội cũng bị tuyết bao phủ. Chính quyền thủ đô Seoul đã huy động 11.000 nhân lực cùng hàng chục nghìn thiết bị để dọn tuyết “mở đường” và đảm bảo giao thông. Đợt tuyết kỷ lục lần này là một trong những thách thức lớn đối với cơ sở hạ tầng và hoạt động hàng không của Hàn Quốc, đòi hỏi nỗ lực liên tục từ chính quyền và người dân để giảm thiểu thiệt hại.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chỉ thị cho các đơn vị giao thông huy động tất cả nhân sự và thiết bị có liên quan để ngăn ngừa tai nạn và các sự cố liên quan đến tuyết.

Cũng tại Đông Á, do mưa tuyết dữ dội, cuối tháng 11 Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo màu xanh lam về giá lạnh với khuyến cáo nhiệt độ có thể sẽ tiếp tục giảm sâu và thời tiết cực đoan sẽ bao trùm toàn bộ thủ đô Trung Quốc. Sau khi mưa tạnh, gió mạnh và nhiệt độ thấp sẽ gây ra hiện tượng đóng băng.

Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp, mã màu, trong đó màu đỏ biểu thị thời tiết khắc nghiệt nhất, tiếp theo là màu cam, vàng và xanh lam.

Bắc Kinh, thành phố hơn 21 triệu dân vào mùa đông vẫn hay gặp mưa tuyết nhưng thường thì phải bắt đầu từ giữa tháng 12 trở đi. Vì thế đợt mưa tuyết đến sớm này được coi là bất thường. Để ứng phó, các cơ quan quản lý đô thị của Bắc Kinh đã huy động nhiều nguồn lực để đảm bảo an toàn công cộng và duy trì hoạt động bình thường. Hơn 35.000 nhân viên, 5.121 xe dọn tuyết và hơn 4.600 máy móc dọn tuyết đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để xử lý lượng tuyết và băng tích tụ.

"Mưa và tuyết sẽ làm giảm đáng kể tầm nhìn và gây ra tình trạng đường trơn trượt" - tiến sĩ Zhao Wei, Giám đốc dự báo Trung tâm khí tượng Bắc Kinh cho biết và lưu ý người dân cần lái xe thận trọng, theo dõi tình trạng đường sá và tránh các hoạt động ngoài trời.

Cùng thời điểm, phía bên kia đại dương, khối không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống đã gây ra đợt giá rét ảnh hưởng hầu hết nước Mỹ, trong đó một số vùng miền bắc và đông bắc hứng chịu đợt bão tuyết giữa mùa đi lại cao điểm nhất trong năm.

Theo Cơ quan Hàng không liên bang Hoa Kỳ, từ ngày 24 - 28/11 có hơn 232.000 chuyến bay tại nước này, mức cao kỷ lục trong mùa Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, dữ liệu từ trang Weather.com cho thấy nhiều chuyến bay đã phải hủy bỏ khi mà khoảng 196 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng do thời tiết. Đối với hàng triệu người sống ở các bang dọc theo hành lang Xa lộ liên tiểu bang 95 ở Bờ Đông, đây là đợt không khí mở đầu mùa đông lạnh nhất ghi nhận trong nhiều năm. Dịch vụ Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết nhiều vùng ở phía bắc vùng Đại bình nguyên và Trung Tây của Mỹ có nhiệt độ rất thấp, trong khi một số khu vực ở bang Bắc Dakota có gió lạnh đến âm 40 độ C.

Các nhà khí tượng cảnh báo về gió lạnh nguy hiểm tại Bắc Dakota và Alaska, nhiệt độ có thể khiến da bị bỏng lạnh trong chỉ 10 phút, tờ USA Today đưa tin. Cảnh sát bang Michigan kêu gọi người dân lái xe cẩn thận vì đường trơn trượt dù tuyết rơi không quá dày. Chính quyền thành phố Erie ở tiểu bang Pennsylvania ban bố tình trạng khẩn cấp về tuyết rơi và kêu gọi người dân hạn chế ra đường trong khi khu vực được dự báo hứng lượng tuyết dày đến 1,2 mét.

Thống đốc Kathy Hochul của New York cũng ban bố tình trạng khẩn cấp tại 11 địa hạt vì đợt bão tuyết lần này với cảnh báo có lúc một số khu vực ở New York có lượng tuyết rơi dày đến 60 cm. Trong khi đó, khối không khí lạnh tiếp tục tràn xuống miền nam và miền đông, khiến nhiệt độ giảm gần mức 0 độ C ở các tiểu bang Texas và Florida. Theo Đài ABC News, hơn 13 triệu người ở miền nam nước Mỹ đang bị đặt trong tình trạng cảnh báo giá rét, còn khoảng 70% nước Mỹ sẽ có nhiệt độ dưới 0 độ C trong cuối tuần đầu tiên của tháng 12.

Lượng tuyết rơi dày nhất trong đợt này là vào sáng sớm ngày 2/12, tập trung ở khu vực quanh Watertown (New York), dày từ 0,9 - 1,5m.

Còn tại Gaylord (Michigan), lượng tuyết rơi đạt 63cm, phá kỷ lục tuyết rơi trong một ngày ở khu vực này trước đó là 43 cm vào ngày 9/3/1942.

Với nước Mỹ, tuyết rơi khi không khí lạnh di chuyển qua bề mặt các hồ nước lớn, thường gặp trong những tháng mùa đông. Quá trình này tạo ra các dải tuyết dày đặc, dẫn đến lượng tuyết rơi lớn trong thời gian ngắn, ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt.

Theo NWS, hiện tượng mưa tuyết cường độ lớn ngay đầu mùa là chỉ dấu cho thấy mùa đông năm nay Bắc Mỹ sẽ lạnh hơn.

Theo trang tin châu Âu Euronews.com, mùa đông châu Âu bắt đầu từ tháng 12 năm trước tới hết tháng 2 năm sau. Năm nay, dự báo mùa đông sẽ ấm hơn so với trung bình 3 năm trước đó. Tương tự, Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung Châu Âu (ECMWF) cho rằng, năm nay mùa đông châu Âu không quá lạnh, nhưng do biến đổi khí hậu nên sự cực đoan của thời tiết là rất khó lường. Dự báo, tháng 1/2025 nhiệt độ sẽ giảm sâu và xuất hiện nhiều đợt mưa và bão tuyết ở các quốc gia khu vực Bắc Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyết đầu mùa từ Đông Á đến Bắc Mỹ