Số lượng cổ đông chiến lược nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhìn chung còn khiêm tốn, trong khi đây là một kênh gọi vốn cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Vậy, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới cần lưu ý điểm gì?
Nhiều ngân hàng chạm trần “room” ngoại
Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ đối với cá nhân nước ngoài; không quá 15% vốn điều lệ đối với tổ chức nước ngoài; không quá 20% vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chiến lược; Nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.
Cũng theo thống kê hiện nay, một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm hoặc gần chạm trần 30%. Cụ thể, tính đến 30/6/2021 có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại Nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.
Nhiều ngân hàng đã thành công trong việc gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, năng lực tài chính nâng lên, tạo cơ hội để đổi mới đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng cường thanh khoản, quản trị rủi ro sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán... Có thể kể đến một số ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang tìm kiếm tốt cơ hội tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài như: VietCapitalBank, NamABank, OCB, VIB, ACB, Techcombank, VPBank…
Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán là dấu hiệu hết sức tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít ngân hàng vẫn còn nguyên “room” (tăng tỷ lệ) ngoại, chưa được các nhà đầu tư nước ngoài để ý tới.
Phần lớn ý kiến các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại; cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiện chúng ta đang chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu lại hệ thống tài chính giai đoạn 5-10 năm tới và nhu cầu tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Basel III là rất lớn. Trong khi đó với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dự kiến triển khai sắp tới, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng các năm tới rất lớn nên tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn, ví dụ năm 2022 dự báo có thể ở mức 13-14%... Những yếu tố đó cho thấy nới “room” để thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết.
Trên thực tế, dù ngành ngân hàng được nhìn nhận là rất có tiềm năng nhưng trong nhiều năm qua, thị phần của các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh tại Việt Nam vẫn chỉ quanh 10%.
Việc chưa “sử dụng” hết trần “room” hiện tại có thể vì tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp là không dễ dàng, quá trình thẩm định đánh giá phê duyệt của Việt Nam quá lâu khiến nhà đầu tư bị lỡ cơ hội; nguy cơ có những điều chỉnh trong chính sách, quy định…
Với những phân tích như vậy, ông Lực cho rằng mức độ nới “room” sẽ phụ thuộc vào Đề án Cơ cấu lại tổ chức tín dụng mà Chính phủ thông qua tới đây cũng như việc sửa Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Các tổ chức tín dụng; mặt khác là tính toán kỹ mức độ khả thi và hài hòa của cung - cầu (giữa nhu cầu phía các nhà đầu tư nước ngoài và đối tượng ngân hàng thương mại trong nước cụ thể).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, để các ngân hàng tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán là điều rất cần thiết. Song việc quy định tỷ lệ ở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30%.