Bạn sẽ thấy hình ảnh rất rất đông người dân tụ tập vui đùa trên bãi biển phía Đông thành phố Sydney (Úc), trong khi ngược lại, các con phố ở phía Tây đều tĩnh lặng đến ngột ngạt.
Trên bãi cát ở biển Bondi, bang New South Wales (Sydney) - một trong những vùng ngoại ô giàu có nhất Sydney, những người lướt sóng chen lấn để có không gian, trong khi những người chạy bộ lại làm tắc nghẽn lối đi dạo gần đó và vô số người tụ tập xung quanh các thiết bị tập thể dục công cộng.
Trái ngược lại, ở phía Tây thành phố, nơi có số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh mẽ, các cửa hàng buộc phải đóng cửa do một số khu dân cư tập trung nhiều người di cư nhất của nước Úc đang phải chịu các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, được giám sát bởi lực lượng do quân đội hỗ trợ.
Khoảng ¾ trong số gần 5.000 ca mắc tại bang New South Wales đến từ 9 khu vực của Sydney, nằm trong vùng đô thị trải dài khoảng 12 km từ phía Tây Nam của cầu cảng Sydney đến chân núi Blue Mountains.
“Cộng đồng ở đây thực sự đang gặp khó khăn vào ngay lúc này, và họ cảm thấy như bản thân đang phải chịu đựng một tiêu chuẩn kép”, Bilal El-Hayek, một Ủy viên hội đồng tại phía Tây thành phố Sydney, người đã dành phần lớn thời gian để tiếp tế thực phẩm cho những cư dân không đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ các khoản chi phí, lên tiếng bức xúc.
Ông cho biết: 'Bạn sẽ thấy những bức ảnh và video của rất đông những người dân tụ tập vui đùa trên bãi biển, trong khi ngược lại, các con phố ở đây đều tĩnh lặng đến ngột ngạt.'
Trong khi thành phố lớn nhất của nước Úc đang phải vật lộn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch trở lại tồi tệ nhất từ trước đến nay, thì những hạn chế khắc nghiệt và cứng rắn hơn ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã gây ra sự phẫn nộ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương. Cảm giác đó đặc biệt nặng nề hơn kể từ sau khi biến thể Delta bùng phát trở lại ở Bondi, do một tài xế sân bay không đeo khẩu trang và chưa được tiêm chủng gây nên.
Mặc dù toàn bộ thành phố 5 triệu dân ở bờ Đông Sydney đang bị phong tỏa, nhưng chỉ khoảng 1,8 triệu cư dân đa sắc tộc ở phía Tây bị cấm rời khỏi khu vực và không được tiếp xúc trực tiếp với nhau. Những người lao động được ủy quyền phải được xét nghiệm 3 ngày/lần và bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Cùng lúc đó, phần còn lại của thành phố đang trở lại cuộc sống bình thường, việc ra ngoài chỉ bị hạn chế và khẩu trang là không bắt buộc. Các trường học bị đóng cửa kể từ tháng Sáu đã bắt đầu hoạt động trở lại khắp nơi, trừ phía Tây thành phố Sydney.
'Ngay cả những cộng đồng di cư đã sinh sống ở đây từ 40 năm trước, họ sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống này? 'Elfa Moraitakis, Giám đốc điều hành của Dịch vụ đa văn hóa SydWest - nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc và định cư cho người tị nạn, chia sẻ. 'Tất nhiên họ đang cảm thấy mình là mục tiêu bị nhắm tới.'
Mervat Altarazi, một người tị nạn Palestine, đồng thời cũng là nhân viên phụ trách vụ việc của SydWest, cho biết sự hiện diện của cảnh sát và quân đội đã khiến khách hàng của cô lo ngại, và nhiều người trong số họ đến từ các quốc gia như Iraq và Syria. 'Đó giống như một cú sốc đối với họ khi họ tin rằng bản thân đã đến một đất nước tự do, nhưng lại phải đối mặt với những gì đã xảy ra ở quê hương của chúng tôi', Mervat nói.
'Một trong số họ đã nói với tôi, ‘chúng tôi không phải là vi rút’.'
Cảnh sát New South Wales đã từ chối bình luận, mặc dù họ đã công khai cho biết 300 nhân viên lực lượng quốc phòng giúp 'kiểm tra việc tuân thủ' đã được đào tạo về sự tồn tại của cộng đồng và đều không mang vũ khí.
Tim Soutphommasane, một cựu Ủy viên phân biệt chủng tộc liên bang, đã gọi phía Tây Sydney là 'vùng đất trung tâm của nước Úc đa văn hóa'. 'Nếu không hành động đúng đắn, chúng ta sẽ phá hoại kết cấu xã hội của thành phố này trong nhiều năm tới', ông viết trong một email.
Lệnh phong tỏa khắc nghiệt hơn cũng đã giáng một đòn kinh tế mà chính phủ Liên bang phải đối mặt. Theo tờ Business Western Sydney (BWS), ở phía Tây, nơi có 3/4 cư dân ở một số vùng ngoại ô, đã đóng góp khoảng 7% vào nền kinh tế quốc gia trị giá 1,6 nghìn tỷ đô la Úc (1,2 nghìn tỷ USD), với các trung tâm sản xuất và hậu cần lớn.
Trước khi đóng cửa, ba phần tư trong số 1 triệu công nhân của khu vực này đều ra khỏi nhà mỗi ngày để đi làm. Giám đốc điều hành BWS David Borger cho biết: 'Những người lao động này đã chuyển từ việc kiếm tiền lương đến việc xếp hàng nhận phúc lợi lần đầu tiên trong đời.'
Chính quyền bang cho biết họ sẽ cho phép 80.000 công nhân xây dựng từ phía Tây trở lại các địa điểm làm việc sau khi được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng số liệu chính phủ lại cho thấy, với tình trạng thiếu nguồn cung và thay đổi lời khuyên về vaccine cho những người dưới 40 tuổi, chưa đến 1/6 thanh niên Úc được tiêm đủ hai mũi.
Các nhà hàng trên khắp thành phố phía Tây đều bị cấm không cho khách ngồi và phải dựa vào việc kinh doanh mang về để tồn tại, nhưng thu nhập giảm ở các khu vực này, cùng với việc di chuyển bị hạn chế, đã làm sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.
'Một quy tắc áp dụng cho phía Tây, một quy tắc áp dụng cho phía Đông', Abdul Eldick, chủ nhà hàng Little Tripoli Li Băng, cho biết. 'Tôi không cần tiền của chính phủ. Tôi có thể tự kiếm tiền bằng sức mình. Chỉ cần trả lại công việc kinh doanh cho tôi.'