Ứng phó bão Tembin: Tính mạng người dân là trên hết

Quốc Trung-Gianh Lam-Tâm Anh 26/12/2017 07:10

Hàng trăm nghìn người dân ở những vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn; hàng chục nghìn ngôi nhà, tàu thuyền được chằng néo, gia cố, neo đậu lại; học sinh một số tỉnh, thành phố ảnh hưởng của bão đi qua được nghỉ học… Công tác ứng phó với bão Tembin được triển khai khẩn trương, quyết liệt, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ứng phó bão Tembin: Tính mạng người dân là trên hết

Người dân TP Cần Thơ gia cố lại bè nuôi cá trên sông Hậu (Ảnh: Thanh Sang).

Chỗ nào khó khăn thì phải cử ngay cán bộ đến hỗ trợ dân

Trực tiếp xuống tàu kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu vực neo đậu tàu thuyền cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), dọc sông Hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác phòng chống bão của tỉnh.

Tuy nhiên, trước tình hình mưa gió diễn biến phức tạp, sóng trên sông Hậu mỗi lúc một to hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương di dời những phương tiện tàu cá nhỏ đang neo đậu trên sông vào bờ để tránh thiệt hại khi bão đổ bộ; bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, triển khai lực lượng tiếp tục giúp dân chằng chống lại nhà cửa, không để người dân gặp khó khăn, thiếu đói trong và sau cơn bão.

Sau khi rời huyện Trần Đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn đã đến xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu), Nhà máy điện gió Bạc Liêu và khu vực phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) kiểm tra tình hình chống bão.

Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra hiện trường đối với công tác chuẩn bị phòng chống bão, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện quyết liệt công tác ứng phó, không được chủ quan.

Phải đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ các công trình dễ bị sập đổ… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Khi bão vào, chỗ nào khó khăn thì phải cử ngay cán bộ đến hỗ trợ người dân”.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã vùng ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng phải khẩn trương di dời toàn bộ người dân đến nơi trú bão an toàn.

Ứng phó bão Tembin: Tính mạng người dân là trên hết - 1

Người dân Cà Mau chủ động gia cố nhà cửa đối mặt với bão (Ảnh: Huỳnh Thế Anh).

Sáng 25/12, tại huyện Trần Đề, hơn 100 dân quân tự vệ, hàng chục cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, biên phòng, hàng chục xe buýt, ô tô… đã được huy động từ sáng sớm đến các khu vực nguy hiểm có đông dân cư sinh sống ven biển để giúp dân di dời. Các lực lượng đã khẩn trương giúp đỡ người già, trẻ em lên xe để di chuyển.

Tại khu vực bến cá Mỏ Ó có khoảng 1.500 người gồm trẻ em, người già và phụ nữ phải di dời. Mọi người vẫn di chuyển ngay dưới trời mưa, trừ một số đàn ông ở lại trông coi nhà cửa, tiếp tục chống bão.

Nhiều gia đình đã chủ động tự di dời bằng xe máy, phương tiện cá nhân.

Bí thư Huyện ủy Trần Đề Lê Minh Bảy cho biết lực lượng y tế của Bệnh viện đa khoa huyện và các xã đang sẵn sàng, túc trực 24/24 trong hai ngày 25 và 26 để ứng phó và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện đang có 90 bệnh nhân điều trị nội trú, dự kiến một số bệnh nhân có sức khỏe ổn định sẽ được cấp thuốc về nhà hoặc đến nơi trú bão để tiếp tục nghỉ ngơi, khoảng 60 bệnh nhân được điều chuyển về tuyến tỉnh để được chăm sóc tốt hơn, toàn bộ máy móc thiết bị đều được dời qua Ban chỉ huy Quân sự huyện để đảm bảo an toàn.

Còn tại huyện Cù Lao Dung, Bí thư Huyện ủy- ông Võ Thanh Quang cho biết các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ cũng khẩn trương di dời 2.000 người dân tại 5 xã tiếp giáp các cửa sông lớn về các điểm trường học trên địa bàn để trú bão.

Các lực lượng y tế cũng sẵn sàng trực ứng cứu khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, từ sáng sớm đã có mưa, đến 9 giờ đã có một vài nơi mưa lớn kèm theo gió giật.

Tại Trà Vinh, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện di dời dân. Theo thống kê từ hôm qua, toàn tỉnh có hơn 50 ngàn người cần di dời. Sáng nay công tác di dời đã được tiến hành và vẫn tiếp tục rà soát lại, thống kê số người cần được di dời, …

Còn tại thành phố Cần Thơ, sáng nay đã có mưa và gió, nhiều trường học đã mở cửa cho phụ huynh đón con sớm và cho học sinh nghỉ học từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12.

Trưa 25/12, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã có văn bản cho cán bộ công chức là nữ, ưu tiên có con nhỏ được nghỉ làm việc từ chiều 25/12 đến ngày 26/12 để thuận tiện trong việc phòng chống bão. Các cảng bến vắng lặng, tàu thuyền đã neo đậu, người dân đã vào nơi an toàn…

Ứng phó bão Tembin: Tính mạng người dân là trên hết - 2

Người già sống trên khu vực Cồn Sơn, quận Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ được chính quyền ưu tiên di tản vào đất liền đầu tiên (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN).

Sáng ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác phòng chống bão Tembin (bão số 16) tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tinh thần chung tại các địa phương vùng bão là: Không chủ quan lơ là, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra, không để người dân thiếu đói trong và sau bão.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân

Rút kinh nghiệm từ cơn bão Linda năm 1997, người dân đã chủ động mua sắm lương thực dự trữ, đồ dùng chằng chống nhà cửa… Người già và trẻ em vùng ven biển thì gấp rút di chuyển về nơi an toàn hơn…

Cho dù bão Tembin không đe dọa trực tiếp đi chăng nữa thì công tác phòng chống cũng được triển khai rất kỹ lưỡng.

Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì người dân không được chủ quan với bão, khẩn trương chằng néo nhà ở, chặt tỉa tán cây để ngăn đổ ngã nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, tai nạn có thể xảy ra; đồng thời khẩn trương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân đến địa điểm trú bão an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến trưa 25/12, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 trong số 73.528 nhà ở của dân được chằng chống.

Còn tại Bến Tre, tỉnh đã chủ động di dời trên 22.100 người ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách. Trong đó, huyện Ba Tri có gần 930 hộ với 2.600 người cần di dời, sơ tán khi bão đổ bộ.

Bến Tre cũng tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực.

Thông tin từ UBND tỉnh này cho biết, đến 14h ngày 25/12, địa phương đã hoàn tất công tác di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; kể cả cưỡng chế khi cần thiết.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm ngặt các tuyến đò dọc, đò ngang đảm bảo ngưng hoạt động từ 11h ngày 25/12; tổ chức di dời dân đến nơi trú bão.

Việc chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối, khai thông dòng chảy đã hoàn thành trước 17h ngày 25/12. Kể từ 13h ngày 25/12, tạm ngưng thi công tất cả các công trình trên địa bàn.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn cấp của UBND tỉnh về phòng, chống bão số 16, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão; kiểm tra những điểm có nguy cơ sạt lở; cương quyết di dời dân khi bão đổ bộ với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính đến trưa ngày 25/12, tỉnh Hậu Giang sơ tán 830 hộ dân; chằng chống trên 9.500 căn nhà tại các địa phương.

Tại các tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Long An, An Giang..., công tác phòng chống bão cũng tiến hành hết sức khẩn trương, quyết liệt.

Cùng với việc chắng chống nhà, di chuyển người dân khỏi vùng nguy cơ thì các địa phương còn tổ chức rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các bến phà đang hoạt động, cử người túc trực tại các bến phà, đò ngang, đò dọc, đảm bảo an toàn cho người dân qua lại trên sông, kênh, rạch; tuyệt đối cấm các bến phà hoạt động trong suốt thời gian mưa to, gió lớn. Cử lực lượng theo dõi, hỗ trợ kịp thời các tuyến đê, bờ bao và các cống ngăn triều cường.

Nằm trong khu vực ảnh hưởng hoàn lưu của bão Tembin, các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với khả năng diễn biến phức tạp của bão.

Từ sáng 25/12 khi mưa nặng hạt kèm theo gió giật xuất hiện thì các trường học ở Đồng Nai, TP HCM đã cho toàn bộ giáo viên, học sinh được nghỉ học từ trưa 25 đến hết ngày 26/12.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng sớm ban hành văn bản điện tử khẩn gửi các phòng GDĐT các huyện, thị xã và thành phố; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc thực hiện phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực 100% thời gian có lụt bão xảy ra và thông báo học sinh nghỉ học từ 12h trưa 2512 đến hết ngày 26/12 và ấn định ngày 27/12 là ngày khắc phục hậu quả sau cơn bão. Sở GDĐT tỉnh này cũng lui thời gian bố trí lịch thi học kỳ 1 các cấp học từ ngày 28/12 trở đi.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, sẽ sơ tán khoảng 78.000 dân ở các vùng xung yếu, tập trung ở huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo vào nơi tránh bão an toàn.

Hơn 4.200 tàu đã neo đậu an toàn tại cảng, và khoảng 1.600 tàu thuyền còn hoạt động trên biển đã được cảnh báo khẩn cấp vào nơi trú bão. 28 hồ đập trên địa bàn cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Lê Anh

Mưa to gió lớn, sóng biển dâng cao

Do tác động của bão số 16, kể từ trưa ngày 25/12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao từ 6-8 m.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9.

Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Từ sáng 25/12, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 m.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện bão số 16 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20 km/giờ.

Đến 10h hôm nay, 26/12, vị trí tâm bão số 16 ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc, 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11.

Đến 22h ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,9 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 150 km về phía Tây Tây Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 m.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Sau đó, bão số 16 di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó bão Tembin: Tính mạng người dân là trên hết