Tuổi thọ tăng và xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, dự báo Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038. Như vậy, Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để bước vào giai đoạn dân số già. Nhân Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10), cùng nhìn lại một vài thách thức mà Việt Nam cần ứng phó…
Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới
Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng cuộc sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu.
Theo UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số. Nhật Bản là quốc gia “siêu già”, có trên 30% dân số từ 60 tuổi trở lên. Đến 2050, có 64 quốc gia siêu già. Trung bình mỗi năm có 58 triệu người tròn 60 tuổi, mỗi giây có 2 người đến 60 tuổi.
Tại Việt Nam, năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2022, tỷ lệ người cao tuổi nước ta chiếm khoảng 12% dân số. Năm 2019, chỉ số già hóa của Việt Nam là 48,8%, ước tính đến năm 2069, chỉ số già hóa sẽ tăng gấp 3 lần. Nghĩa là, nếu năm 2019 cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, thì đến 50 năm sau, cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi.
Dự kiến, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Đến năm 2049, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 25% hoặc 65+ trên 20% tổng dân số, Việt Nam trở thành xã hội siêu già.
Điều đáng lưu ý là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm. Thực trạng này tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức về kinh tế, xã hội, văn hóa cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Về cơ hội, tạo ra thị trường mới đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, như bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, dược phẩm, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão... Về thách thức, già hóa dân số gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, an sinh xã hội, lương hưu, chi tiêu công, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giao thông; thay đổi cấu trúc gia đình (khuyết thế hệ)… Những thách thức do xu thế già hóa dân số nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế - xã hội và áp lực cho thực hiện hệ thống an sinh xã hội.
Nói về những thách thức, TS Đoàn Hữu Bảy - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phân tích: “Già hóa dân số nhanh dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, già hóa dân số nhanh sẽ khiến cấu trúc, quy mô gia đình thay đổi. Khi tuổi thọ gia tăng và con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn.
Các nghiên cứu về người cao tuổi cũng đã chỉ ra trong tương lai với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới thì trong tương lai, người cao tuổi Việt Nam cùng lúc đối mặt với khó khăn về nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Hơn nữa khi tuổi thọ tăng lên thì đối với nhóm hưởng lương hưu cũng kéo dài hơn, tạo áp lực đối với hệ thống y tế và quỹ lương hưu”.
Thách thức to lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Dưới góc nhìn y tế, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) nêu thực trạng: Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao sức khỏe và năng lực nội tại càng suy giảm. Mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và ở người cao tuổi nói riêng đang thay đổi nhanh chóng, chuyển từ mô hình chủ yếu là bệnh lây nhiễm sang mô hình chủ yếu là những bệnh không lây nhiễm. Người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi.
Mặt khác, người cao tuổi còn phải đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa và tác động của các căn bệnh mãn tính, đe dọa đến khả năng sống độc lập làm cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ngày càng tăng. Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính - bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn… Vì vậy, cũng tạo thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, theo các chuyên gia, già hóa dân số tượng trưng cho thành công về các thành tựu kinh tế, xã hội, y tế và kiểm soát bệnh tật. Già hóa dân số chỉ trở thành gánh nặng nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Nếu có đầy đủ sự chuẩn bị, già hóa dân số có thể mang đến đầy cơ hội.
Chủ động thích ứng để phát huy tiềm năng nguồn lực người cao tuổi
Ông Matt Jackson - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định: Với một đất nước có dân số đông như Việt Nam có nhiều lợi thế và thường giữ vị trí kinh tế, chính trị quan trọng trên trường quốc tế. Người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, trí tuệ và kỹ năng phong phú cần được coi là nguồn lực để phát triển chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Già hóa dân số đòi hỏi xã hội phải tận dụng nguồn nhân lực chưa được sử dụng. Người cao tuổi đã tích lũy được chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, trí tuệ và giá trị. Và do đó, những tài sản quý giá này cần được liên tục nuôi dưỡng và sử dụng để mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân người cao tuổi mà còn cho con cái, người thân của họ. Ví dụ, nếu một người cao tuổi có đủ điều kiện để làm việc liên tục, độc lập về tài chính hoặc ít nhất là tự chăm sóc được bản thân, người đó sẽ không chỉ tiếp tục đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xã hội mà còn giảm chi phí chăm sóc và gánh nặng tài chính cho các thành viên gia đình của họ, những người thường là lao động chính trong gia đình, tham gia thị trường lao động. Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có thể thúc đẩy các cơ hội kinh doanh mới và hợp tác công tư trong việc cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi. làm việc nhà và đặc biệt là những người được gia đình và cộng đồng tin cậy.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), trong bối cảnh sự già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động, Việt Nam cần chủ động và sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã ứng phó với già hóa dân số để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để tăng cường tính tự chủ, độc lập, nhất là tài chính cho người cao tuổi, đồng thời tạo cho họ cơ hội, năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến “già hóa thành công.”
Có thể nói, bằng cách thực hiện linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước vào thời kỳ già hóa dân số.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quốc gia nào chủ động thích ứng, đi trước một bước về đổi mới tư duy, ban hành cơ chế, chính sách có tính mở đường, thì sẽ phát huy được tiềm năng nguồn lực người cao tuổi, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Theo TS Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam, lịch sử cho thấy, các xã hội già hóa thường được miêu tả như một “cơn sóng thần của tuổi già” hoặc như một “quả bom hẹn giờ”, được cho là đe dọa sự ổn định tài chính và làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Tuy nhiên, tư duy này cần phải thay đổi bằng cách nhìn nhận người cao tuổi như một thành phần có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Thay vì chỉ đơn thuần chuẩn bị cho một tương lai mà nhóm dân số cao tuổi được coi là những người phụ thuộc, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động kinh tế và đóng góp cho cộng đồng. Khả năng thích ứng lâu dài này là chìa khóa để giải quyết sự thay đổi nhân khẩu học đồng thời thúc đẩy sự gắn kết xã hội và tăng trưởng kinh tế.