Ứng phó với số ca sốt xuất huyết tăng nhanh tại Hà Nội

PV 15/08/2023 14:27

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, tại Hà Nội đã phát hiện thêm 59 ổ dịch, 762 ca sốt xuất huyết.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Cụ thể, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 4/8 - 11/8), TP Hà Nội đã ghi nhận 762 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã, tăng 121 ca so với tuần trước đó.

Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là Thanh Trì với 160 ca, tiếp đến là Thạch Thất (54 ca), Hoàng Mai (51 ca), Bắc Từ Liêm (47 ca), Hà Đông (45 ca).

Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Thanh Trì. Ảnh: CDC Hà Nội.

Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (102 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29 ca); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (22 ca); phường Định Công, quận Hoàng Mai (19 ca), xã Văn Tự, huyện Thường Tín (15 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn TP có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.

Cũng trong tuần qua, trên địa bàn TP ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã.

Trong đó, Hoài Đức có 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Đống Đa (6 ổ dịch); Thanh Trì (4 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Quốc Oai, Cầu Giấy mỗi quận, huyện có 3 ổ dịch; Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hai Bà Trưng, Ba Đình mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại các quận, huyện: Ba Vì, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Tây Hồ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Sơn Tây, Long Biên mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch tại 25 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (324 bệnh nhân), thôn Vĩnh Ninh - xã Vĩnh Quỳnh - huyện Thanh Trì (188 bệnh nhân), xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (151 bệnh nhân), thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (69 bệnh nhân), xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất (30 bệnh nhân), thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (29 bệnh nhân).

Không để dịch bùng phát

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Trước đó, để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, CDC Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo kế hoạch/đề án đã được phê duyệt tại các quận, huyện, thị xã. Đáp ứng kịp thời hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch. Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.

TTYT quận, huyện, thị xã tham mưu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023, bao gồm: Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ cao; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có ổ dịch phức tạp.

Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên, yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp. Thường xuyên rà soát, báo cáo, cập nhật, quản lý số liệu ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Y tế, báo cáo kết quả theo quy định.

Song song với đó, các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lưu động (loa kéo), các hội nhóm zalo thôn, tổ dân phố... Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, rõ ràng, tập trung vào đặc điểm tình hình dịch tại địa phương, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng bệnh. Yêu cầu 100% ổ dịch có băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với số ca sốt xuất huyết tăng nhanh tại Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO