“Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ góp sức vào việc bảo tồn điệu hát Then - đàn Tính của người dân tộc Tày, để những giá trị truyền thống sẽ không bị mai một theo thời gian”, Hà Kiên Trung chia sẻ.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Hà Kiên Trung, 18 tuổi, người dân tộc Tày ở thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Khi tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc mình, Kiên Trung nhận ra hát Then - đàn Tính là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Tày cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy.
15 tuổi, Hà Kiên Trung khăn gói xuống Hà Nội theo học tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Dù phải xa gia đình nhưng Trung luôn nỗ lực hết mình. Trong quá trình học tập, Kiên Trung liên tục giành được nhiều giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi các cấp, tiêu biểu là huy chương vàng quốc tế tại Triển lãm khoa học và sáng chế năm 2021.
Dành nhiều thời gian để tích lũy kiến thức nhưng Kiên Trung luôn ý thức về nguồn gốc dân tộc Tày của mình. Ngoài việc chăm chỉ hoàn thành bài vở trên lớp, em còn dành thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu về làn điệu Then và cách chơi đàn Tính. Chàng trai trẻ luôn mang trong mình một suy nghĩ rằng, làm thế nào để có thể lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình? Sau một năm học tập ở Hà Nội, nhận thấy làn điệu Then cùng đàn Tính quê hương chưa được nhiều bạn bè biết đến, Kiên Trung quyết định dành thêm thời gian để tự trải nghiệm nét văn hóa này. Với Kiên Trung, đây cũng là cách để bảo tồn văn hóa của người Tày.
Năm 2020, Hà Kiên Trung dành thời gian nghỉ hè để trở về Tuyên Quang, bắt đầu hành trình tìm thầy học hát Then - đàn Tính. Trung may mắn gặp được nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến - người đã có hơn 60 năm gắn bó cùng cây đàn Tính và làn điệu Then. Dưới sự hướng dẫn của người nghệ nhân, cậu học sinh Hà Kiên Trung càng thấu hiểu hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc Tày. Tuy nhiên, trên hành trình tiếp thu văn hóa dân tộc, Kiên Trung cũng gặp phải nhiều khó khăn. Thời điểm Trung bắt đầu học đàn Tính - hát Then cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, thời gian được học với nghệ nhân vì thế cũng không nhiều, chủ yếu Trung tự tập đàn và mày mò thêm về các điệu hát.
Trong cái khó, Kiên Trung chưa một lần dừng lại hành trình chinh phục làn điệu Then. Khi đã nắm được điệu hồn của đàn Tính và làn điệu Then, Kiên Trung nảy ra ý tưởng mở một CLB dạy hát Then miễn phí cho các em nhỏ tại xã Tân Trào. Hà Kiên Trung tìm giáo viên dạy đàn Tính, hát Then giỏi ở xã Trung Yên đến giảng dạy miễn phí cho các em thiếu nhi. Mới đầu lớp học có 10 em, chủ yếu là học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, toàn bộ kinh phí mở lớp do Trung chi trả bằng số tiền học bổng cũng như tiền đi làm gia sư của em vào những ngày cuối tuần ở Hà Nội. CLB Đàn Tính - Hát Then do Hà Kiên Trung sáng lập đã đi vào hoạt động được hơn một năm với nhiều hoạt động dạy và học thiết thực.
Chinh phục học bổng “khủng”
Song song với hoạt động gìn giữ văn hóa dân tộc Tày, Hà Kiên Trung vẫn không quên nhiệm vụ học tập của mình. Điểm học thuật của Trung vô cùng ấn tượng: 1510 SAT, IELTS 7.5, GPA 9.5. Năm lớp 12, Kiên Trung đã vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc để giành “tấm vé” vào Đại học Wesleyan (Mỹ). Để có được học bổng từ ngôi trường này, Kiên Trung chia sẻ, đàn Tính và hát Then chính là “người bạn đồng hành” để bản thân bước tới cánh cửa của Đại học Wesleyan. “Trên hành trình “săn” học bổng, điệu hát Then và cây đàn Tính luôn đồng hành cùng tôi. Bài luận về nguồn gốc của người dân tộc Tày, về hát Then - đàn Tính đóng góp đến 60% thành công để tôi có được suất học bổng đó”, Kiên Trung tâm sự.
Biết chơi đàn Tính và hát Then là điểm nhấn quan trọng giúp Kiên Trung “ăn điểm” trong mắt các nhà tuyển sinh tại buổi phỏng vấn để nhận học bổng. Cuối tháng 3 năm nay, Kiên Trung vui mừng khi biết tin đạt được học bổng toàn phần trị giá 8 tỷ đồng của Đại học Wesleyan. Đây là học bổng toàn phần bậc cử nhân, mỗi năm chỉ có 11 suất trên toàn thế giới, trong đó cả châu Á chỉ có duy nhất 1 suất với tổng giá trị lên tới 350.000 USD (8 tỷ đồng) cho cả 4 năm học.
Tâm sự thêm về “người bạn đồng hành” đặc biệt (cây đàn Tính), Kiên Trung nói: “Với tôi, cây đàn Tính như một người anh em sinh đôi. Tôi thấy được sự gắn kết giữa tôi và cây đàn mộc mạc này. Đàn Tính được làm rất đơn giản, chỉ là quả bầu già, khúc gỗ ghép lại, thêm vài sợi dây rồi được người nghệ nhân làm thành nhạc cụ mà âm thanh của nó không hề thua kém những loại nhạc cụ nổi tiếng. Tôi tự nhận thấy mình giống cây đàn đó, ở chỗ tôi là một người dân tộc miền núi, cũng giản dị và đơn sơ như đàn Tính, nhưng không phải vì thế mà bản thân cảm thấy tự ti bởi cốt cách con người mới là thứ quan trọng”.
Nhờ làn điệu Then và đàn Tính mà Kiên Trung có được cơ hội học tại ngôi trường đại học hàng đầu của Mỹ. Tuy vậy, khi đứng trước một hành trình mới, Hà Kiên Trung cũng không khỏi lo lắng cho CLB Đàn Tính - Hát Then của mình nơi quê nhà. Biết trước trong 4 năm sắp tới không ở Việt Nam, Kiên Trung đã chủ động gửi gắm CLB cho cô giáo Đàm Thanh Hiền - Tổng Phụ trách đội Trường Tiểu học Tân Trào (người từng dạy Kiên Trung hát Then) thay mặt phụ trách.
Rời Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, sang nước Mỹ học tập, Hà Kiên Trung vẫn âm thầm mang theo làn điệu Then đến vùng đất mới. Tại ngôi trường Wesleyan, Trung đã giới thiệu điệu hát Then với những người bạn mới và nhận về những phản hồi tích cực. Trong tương lai gần, Kiên Trung mong muốn được biểu diễn đàn Tính và hát Then trong môi trường đại học tại Mỹ, để giới thiệu văn hóa đặc sắc của người dân tộc Tày ở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.