Đó là vấn đề được nhiều đại biểu tán thành khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra vào chiều 9/5. Nhiều đại biểu cho rằng trước những vấn đề nóng của xã hội, trong lúc chờ sửa luật, Quốc hội cần ra 1 nghị quyết trong đó quy định các chế tài xử lý phải mạnh hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.
Tước bằng vĩnh viễn lái xe sử dụng ma túy
Tại phiên họp, ngay sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị xem xét lại Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (dự kiến được thông qua tại kỳ họp lần này - PV) khi vừa qua có 1 ý kiến phát biểu của Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm cấm quảng cáo đồ uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, phát rượu khuyến mại cho trẻ dưới 18 tuổi.
Liên quan đến vấn đề trên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần xem xét lại tính cần thiết của luật này, nếu thấy vội vàng thì nên cân nhắc. Song có lẽ Quốc hội nên đưa ra nghị quyết giám sát việc thực hiện ý kiến của cử tri. Ví dụ uống rượu bia xong điều khiển phương tiện giao thông dù chưa gây tai nạn nhưng đo nồng độ cồn thấy uống ở cấp độ nào đấy thì có thể phạt tiền ở mức cao hơn, thậm chí cần thiết bắt lao động công ích. Hay nghiện ma túy mà cầm vô lăng thì tước bằng vĩnh viễn, còn gây tai nạn ở mức hành chính thì tước bằng vĩnh viễn, nếu nặng thì xử lý theo luật hình sự để tạo sức mạnh thực hiện luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dư luận xã hội đang xem Quốc hội ứng xử thế nào trước các vấn đề xã hội bức xúc. Do đó có thể nghiên cứu 1 nghị quyết của Quốc hội để có chế tài mạnh mẽ hơn trong lúc chờ sửa luật. Cần nghiêm khắc chấn chỉnh lại, uống rượu bia quá mức cho phép có thể bị tịch thu giấy phép lái xe và phạt lao động công ích, đó cũng là biện pháp để giáo dục.
Giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia
Cũng trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Vấn đề còn ý kiến khác nhau vẫn ở quy định tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhóm A,B,C.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét cho tiếp thu theo đa số và xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 về nội dung này theo 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C; Phương án 2: Điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (lên 20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.
Qua thảo luận, nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1 giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay và các dự án nhóm A, B, C. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, 10.000 hay 20.000 tỷ đồng cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế. “Nếu vướng về quy mô vốn thì phải sửa nhưng không vướng gì cả thì nên giữ nguyên như luật hiện hành”-ông Lưu nói.
Bày tỏ quan điểm thống nhất với phương án 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vướng ở đâu thì sửa ở đó nhưng đến giờ tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia không vướng gì cả. Do đó nên giữ nguyên như luật hiện hành là 10.000 tỷ đồng.