Giáo dục

Ưu tiên dinh dưỡng học đường

Thu Hương 27/02/2024 08:03

Bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng, thậm chí là chìa khóa trong cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc cho trẻ em.

anhbaiduoi.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ăn trưa tại trường. Ảnh: Ngọc Trang.

Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, THCS tại các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến tổ chức bữa ăn cho học sinh (HS) nội trú. Trong đó, cán bộ quản lý phụ trách việc tổ chức bếp ăn cho HS mới được tập huấn về an toàn thực phẩm mà chưa được đào tạo, tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; chưa thành lập bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng thực đơn hằng ngày cho HS. Khu vực nhà ăn của một số trường không có bảng nội quy; kho bảo quản thực phẩm sắp xếp lộn xộn. Tại thời điểm kiểm tra, các trường không cung cấp được giấy đăng ký vệ sinh thú y, kiểm dịch thực phẩm mới nhập; nhân viên nấu ăn ở một số trường chưa thực hiện đúng trang phục bảo hộ theo quy định...

Đây không phải là lần đầu tiên các địa phương thực hiện rà soát bữa ăn bán trú, nội trú. Cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì rà soát bữa ăn bán trú, nội trú của HS miền núi, người dân tộc thiểu số sau sự việc HS trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, Lào Cai “ăn cơm chan mỳ tôm” được phản ánh trên báo chí.

Về chất lượng bữa ăn, báo cáo của nhiều địa phương cho thấy định mức suất ăn cho HS đã được các trường thống nhất với Ban đại diện phụ huynh HS còn thấp, chỉ từ 5.000 - 8.000 đồng/bữa sáng, bữa chính từ 16.000 - 20.000 đồng nên khó đảm bảo về dinh dưỡng. Đối với HS trường công lập, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, nhiều gia đình khó khăn nên không thể đề xuất mức thu cao trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang, nguyên vật liệu nấu ăn đều phải lựa chọn từ nhà cung cấp có uy tín, đầy đủ giấy tờ nên giá cả sẽ cao hơn giá mua ở chợ truyền thống. Với mức đóng thấp, chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn cũng khó đạt mức cao.

Vì vậy, theo các chuyên gia cần có chính sách ưu đãi đối với những đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho HS. Vừa qua, Sở GDĐT TPHCM đã có văn bản trình Cục thuế TPHCM đề nghị xem xét chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bởi lo ngại chi phí thuế sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bữa ăn bán trú của HS.

Theo PGS. TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường (Viện Dinh dưỡng), cần dành sự quan tâm tới các hoạt động dinh dưỡng học đường. Trong đó, từ phía các bộ, ngành liên quan cần tham mưu Chính phủ ban hành chương trình sức khỏe học đường, trong đó có việc xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường; các hướng dẫn về tổ chức, quản lý, giám sát chương trình bữa ăn học đường; các chính sách, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục và trường học; nhân lực chế biến thức ăn… Triển khai thí điểm mô hình bữa ăn học đường từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và đề xuất chính sách dinh dưỡng học đường phù hợp với từng địa phương.

Bà Nhung cũng nhấn mạnh để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi học đường, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Trong đó, bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng học đường, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh, có nếp sống năng động là rất quan trọng.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần đưa những chương trình giáo dục sức khỏe vào chính khóa tại các trường học, qua đó, có thể giáo dục cho trẻ hiểu hơn về sức khỏe dinh dưỡng. Đồng thời, khi giáo dục HS, ở một mức độ nào đó cũng có thể giáo dục các bậc phụ huynh về các kiến thức của khoa học sức khỏe, từ đó góp phần thay đổi, cải thiện tầm vóc người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên dinh dưỡng học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO