Quảng Ninh là một tỉnh kinh tế phát triển. Nhưng địa hình phức tạp, trải dài, lại bị chia cắt bởi đồi núi nên một số huyện còn khó khăn, nhất là Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu… Trong đó, huyện Ba Chẽ là một trong những huyện khó khăn nhất.
1. Thế nhưng, những năm gần đây, hạ tầng đã đổi thay nhanh chóng, chất lượng đời sống người dân được nâng lên. Thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc là một thí dụ điển hình. Thôn Nà Bắp có 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, Nà Bắp luôn bị coi là “chậm phát triển”. Chính sách lâu “thấm” vào đời sống. Các phong trào, cuộc vận động thường khó huy động sức dân. Tuy nhiên, do phát huy tốt vai trò của những trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nên thôn Nà Bắp có nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội.
Ông Chíu Sồi Voỏng không phải là một cán bộ. Nhưng là người luôn tích cực tham gia vào các phong trào, cuộc vận động, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM), xóa bỏ các phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh tiến bộ. Ở đâu, người dân cũng thấy ông xuất hiện. Những câu chuyện, những cách ví von của ông luôn có tình, có lý.
Bà con Nà Bắp dân trí chưa cao, song, qua cách nói chuyện của ông Voỏng, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phong trào của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được “đơn giản hóa”, mới nghe đã nắm bắt được. Ông Voỏng được UBND tỉnh Quảng Ninh chọn là người có uy tín trong cộng đồng.
Ông Chín Sồi Voỏng là người “miệng nói, tay làm”. Khi vận động xây dựng NTM, xây dựng hạ tầng là yếu tố then chốt. Bà con biết làm đường thoáng rộng sẽ có lợi, nhưng cũng có người còn băn khoăn nếu hiến đất, làm đường. Ông Voỏng chính là người tiên phong hiến hơn 1000 m2 đất khi địa phương triển khai dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông từ thôn Làng Cổng đến thôn Nà Bắp.
Thấy ông Voỏng gương mẫu và thấy lợi ích rõ rệt, đồng loạt hơn 30 hộ gia đình khác tình nguyện “dịch hàng rào” để mở đường, đóng góp công sức vào công việc chung. Con đường đã nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi trong việc đi lại và phát triển sản xuất.
Ông Chín Sồi Voỏng là một trong hàng chục người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Không chỉ vận động nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng, đội ngũ người có uy tín đã tuyên truyền, vận động bà con trồng cây keo, sa mộc, thông lấy nhựa, quế, ba kích, trà hoa vàng, nuôi ong lấy mật... Đồng thời, xây dựng một số mô hình kinh tế, như trồng thanh long ruột đỏ, mía tím, ba kích tím, tre mai... Từ những việc làm cụ thể, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình của những người có uy tín đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.
2. Do gắn bó với dân nên người có uy tín trong cộng đồng luôn hiểu rõ về cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Người có uy tín có thể là già làng, trưởng bản, cũng có thể là những người được bà con nhân dân tin cậy. Họ vừa là cầu nối với Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể với nhân dân; đồng thời, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng vai trò của người có uy tín trong vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vận động bà con các dân tộc thực hiện các cuộc vận động, phong trào… Định kỳ, cấp tỉnh và cấp huyện đều tổ chức thông tin về tình hình trong nước, quốc tế đến người có uy tín; trực tiếp mời người có uy tín tham gia các cuộc họp bàn xây dựng chính sách ở địa phương, phổ biến các chính sách để người uy tín đưa đến bà con nhân dân…
Mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lại có những đặc thù khác nhau. Do đó, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng cũng thể hiện ở những lĩnh vực khác nhau.
Xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) là xã miền núi, biên giới, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 12,06km. Xã có 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cùng với việc cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, người có uy tín tại đây còn tích cực vận động nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự, tham gia “Phong trào tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”; vận động nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Điển hình là ông Lỷ A Chặng. Không quản ngại khó khăn địa hình phân tán, ông Chặng tích cực đi đến các hộ gia đình vận động nhân dân. Nhờ đó, nhân dân trên địa bàn không chỉ thực hiện tốt các chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn tích cực làm “tai mắt” cho chính quyền, lực lượng an ninh địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn không có người vượt biên trái phép, một số vụ tội phạm được nhân dân phát hiện và báo với chính quyền.
Ông Lỷ A Chặng cho biết: “Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nhất là tạo điều kiện việc làm cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới, tránh bị các đối tượng lôi kéo, kích động, lợi dụng chống đối Đảng, chính quyền, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”.
Huyện Tiên Yên có 51% dân số là đồng bào DTTS, với 26.000 người. Người có uy tín trong đồng bào DTTS đang là những hạt nhân trong các phong trào thi đua NTM, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Hàng năm, huyện đều có các hoạt động rà soát, bầu chọn người có uy tín tiêu biểu. Hoạt động vận động nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM đã góp phần đưa nhiều thôn, xã thoát khỏi Chương trình. Các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế ngày càng sôi nổi. Nhiều người có uy tín trong đồng bào DTTS đã đi đầu áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng cây, con giống mới cho năng suất cao.
Ông Trịnh Công Việt, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tiên Yên cho rằng, người có uy tín trên địa bàn huyện đã góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Họ là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương trong việc triển khai các phong trào thi đua gắn với chương trình xây dựng NTM, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, lao động sản xuất, giảm nghèo…