Giá xăng dầu trong nước và thế giới liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi quan tâm, lo lắng. Đây cũng là nội dung sẽ được chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mai (16/3).
Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cho biết: Giá xăng dầu ở Việt Nam tăng nhưng đã được điều hành ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực.
Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022 cho thấy: Giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.
Lý giải, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong những tháng đầu năm 2022, có những nguy cơ và yếu tố tác động rất lớn và có những yếu tố gần như không thể lường trước được đã diễn ra như xung đột giữa Nga và Ukraina, giá xăng dầu tăng phi mã không thể đoán định được. Bình quân 1 tháng giá xăng dầu thành phẩm chỉ từ 98 USD nay vượt mức 130 USD/ thùng.
Cũng cần nói thêm, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, liên Bộ Công thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; Hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác quản lý điều hành giá xăng dầu trong nước, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Do đó, điều hành của Bộ Công thương là rất quan trọng. Bộ Công thương cần kiểm soát được nguồn cung và cả nguồn dự trữ để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước.
Cũng vẫn đại biểu này cho rằng, phải tăng nguồn cung nhập khẩu, khuyến khích doanh nghiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu. Về lâu dài, cần tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất.
Bên cạnh đó, nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước nhằm bảo đảm bình ổn. Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng, với tổng hợp các biện pháp trên thì sẽ có thể bảo đảm bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới, giúp cho nền kinh tế có điều kiện ổn định, phục hồi và phát triển.
Để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ Công thương cho biết, đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ giao trong quý II-2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1/2022 của Bộ Công thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Ngoài ra là các công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm điều hành và nhanh chóng giải quyết vướng mắc.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương cũng có kế hoạch yêu cầu chủ động nguồn hàng, chia sẻ nguồn cung, tăng công suất sản xuất, công bố kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày...