Diệu An đã buồn từ cả vài tháng trước Tết khi xem lịch biết là ngày lễ tình yêu năm nay rơi đúng vào mùng 3 Tết. Với cô, đó là ngày lễ trọng, một dịp để cô kiểm nghiệm tình cảm của mình và của tình nhân.
Số phận run rủi khiến cô gặp và yêu anh, một người đã có gia đình, lại còn có vị trí trong xã hội. Diệu Anh không còn muốn nghĩ đến bất cứ người đàn ông nào khác, kể từ khi cô đã để mình rơi tự do trong từ trường của anh.
Dĩ nhiên là mọi năm, mối tình trong bóng tối khiến họ cũng chỉ dám gặp nhau vào cái ngày nhạy cảm này trong vội vàng lén lút. Khi mình yêu nhau thì ngày nào chả là ngày tình nhân. Anh nói thế và Diệu An cũng công nhận thế. Nhưng cảm giác tủi phận vẫn luôn xuất hiện và điều đó khiến cô lại nài anh một cuộc gặp gỡ, cho dù là ngắn ngủi. Còn năm nay, chờ sẵn cô là cảm giác “tuyệt đối không anh” trong ngày thiên hạ mặc định riêng dành cho uyên ương. Mặc dù người tình vốn tâm lý đã “tạm ứng” cho Diệu An rất nhiều yêu thương trong những ngày cấp tập trước Tết, trái tim mỏng manh vẫn không được an ủi bao nhiêu.
Cả sáng 30, Diệu An vùi mình trong chăn. Bữa cơm tất niên cô sẽ về nhà ăn với bố mẹ đẻ vào buổi trưa. Mẹ chiều con gái đã chuyển nghi thức quan trọng này từ buổi tối như truyền thống hàng năm. Chỉ Diệu An mới biết, cô cần dành sẵn khoảng thời gian để nếu tình yêu của cô tranh thủ được, anh sẽ ghé vào tối 30, dĩ nhiên là trước giao thừa vài giờ đồng hồ. Hứa với người yêu như thế nhưng anh cũng chỉ dám nói là 50/50. Diệu An cảm thấy sự chờ đợi khắc khoải nó như một thú đau thương luôn song hành trong mối tình của cô. Lòng bồn chồn nên bữa tất niên công phu của mẹ, Diệu An không thấy ngon. Lòng đầy ân hận vì cảm giác mình đang bạc đãi những người thương yêu mình nhất, Diệu An cố gắng ngồi ăn chăm chú, luôn miệng khen ngon. Ăn xong, cô ra chợ hoa gần nhà, mua về một ôm toàn những thứ hoa của “ngày xưa”. Việc chăm chút cho mấy bình hoa tiêu đi của cô mấy giờ đồng hồ. Đồng thời cảm giác chống chếnh cũng vợi bớt.
Diệu An trở lại căn phòng nhỏ bé của riêng mình sau khi đã ấm bụng với một bát miến lòng gà mẹ nấu. Mẹ còn cẩn thận ép cô mang vài hộp thức ăn. Mấy năm gần đây, bố mẹ yếu hơn, gia đình cô đã bỏ tục lệ đi chùa ngay sau giao thừa. Cúng giao thừa xong, bố mẹ sẽ ngủ. Diệu An cũng được miễn sang chúc tết vào thời điểm đó. Đằng nào sáng mùng một chả gặp nhau rồi, mẹ bảo thế và Diệu An luôn thầm cảm ơn mẹ vì điều này.
Diệu An đun nồi lá mùi thơm sực cả nhà. Tuy chỉ sống có một mình nhưng năm nào cô cũng sắm dăm mớ mùi già. Mỗi ngày cô đun một mớ trong nồi to. Khi nước trào lăn tăn thì giảm nhiệt độ để nồi nước sôi âm ỉ, đồng thời bỏ hẳn vung ra. Không gian phảng phất hương mùi khiến cô thấy ấm áp, có gì đó dạt dào hy vọng, dù cô không biết cụ thể. Giờ đã có tinh dầu mùi chế sẵn nhưng cô vẫn ưa mùi hương tự nhiên hơn. Hương mùi ngọt lịm chả cần tắm như “các cụ” vẫn làm từ xưa, vẫn cứ ẩn nấp trong tóc, trên da thịt cô. Một cuộc yêu không nhẩn nha như “ngày dưng” nhưng luôn chạm nóc khoái cảm là món quà người yêu dành tặng cho cô, nếu như anh tìm được một lý do để ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch đó. Diệu An đã vin vào những xúc cảm lộng lẫy đó để mà trôi qua những ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết, khi mà chắc chắn cô không có cách gì để gặp mặt người yêu. Ngay cả nhắn tin, cô cũng không dám. Quy định của anh rõ ràng, anh luôn là người giữ quyền chủ động. Điều này hợp lý bởi vì Diệu An độc thân. Đã nhiều lần, nằm trong chăn trong cái yên tĩnh đến đáng sợ của sáng mùng một Tết, cô đã định cứ liều nhắn tin cho anh. Nhưng rồi cô không dám, vì sợ hành động dại dột này sẽ khiến cô mất anh vĩnh viễn. Vì cô nhớ lại những lời anh nói. Anh bảo có thể dành cho cô tất cả những gì anh có, miễn là điều đó không làm ảnh hưởng đến sự bình yên của gia đình anh, cũng là sự nghiệp của anh nữa. 5 năm yêu anh, cô đã nếm trải cảm giác tủi thân đến tê tái mỗi khi Tết đến. Bởi anh quá bận rộn với vai trò một ông chủ gia đình. Bởi anh còn nhiều nghĩa vụ với bên nội bên ngoại... Bởi rất có thể mối quan hệ ngoài luồng sẽ bị lộ nếu hớ hênh trong mấy cái ngày anh khó ra khỏi nhà, lại dễ không tỉnh táo vì bia rượu chúc tụng. Hoặc nếu có ra thì lúc nào cũng có vợ và các con kè kè bên cạnh. Cứ hình dung đến cảnh đó là Diệu An lại lắc đầu thật mạnh, dường như muốn xóa đi những hình ảnh lúc nào cũng khiến tim mình đau nhói. Trong 3 ngày đó, có giây phút nào hình ảnh của cô len vào được trong cái chương trình kín mít của anh không?
Người ta vẫn nói “vui như tết”. Vậy nhưng đối với Diệu An, đó là khoảng thời gian mà cô ao ước trôi đi mau nhất trong năm. Cô ngại luôn cả việc ra đường. Nhìn thấy những đôi vợ chồng comple áo dài bên những đứa con ríu rít đi chúc tết ông bà, họ hàng bỗng nhiên nước mắt cô cứ ứa ra. Cô biết không bao giờ mình có được niềm hạnh phúc giản dị đó, một khi cô còn là... của anh. Mà cô lại không đủ can đảm để rời xa anh. Đó có thể là “nghiệp chướng” mà cô đành phải ôm nó suốt đời.
Chiều mùng một nào, đám bạn gái thân thiết từ thời phổ thông cũng sẽ đến nhà cô. Các bạn đều có gia đình cả rồi. Lòng trắc ẩn khiến các bạn gái luôn thương cô năm nào cũng cô độc đón Xuân. Vì thế mà các cô ấy thường tế nhị, chỉ qua một mình, để hết chồng con ở nhà. Tất cả thường nói đùa là để giả công cho Diệu An cả một năm chăm sóc con của các bạn. Bởi son rỗi nên thời gian rảnh ngoài giờ làm việc, những lúc không “được” phục vụ anh, Diệu An đều dành để chăm sóc lũ trẻ. Khi có đứa nào ốm, phải nằm bệnh viện, cô cũng sẽ là người tình nguyện thức chăm vài đêm bên giường bệnh. Nhiều lúc Diệu An thấy rất thương thân với ý nghĩ mình cứ bồng bế con thiên hạ, nhưng tuổi già của mình sẽ rất quạnh hiu. Bởi dù rất yêu anh, nhưng cô vẫn không đủ can đảm để có một đứa con ngoài giá thú. Và cũng bởi vì anh chưa bao giờ tỏ ra khuyến khích cô điều đó. Nhưng bạn bè dù có tình đến mấy cũng không thể ở bên Diệu An mãi, nhất là trong một ngày như là mùng một Tết.
Nếu biết trước rằng, đi bên cạnh cuộc đời một người đàn ông có vợ - và không thể bỏ vợ - mà phải trải qua những giây phút đắng lòng như thế này, có lẽ Diệu An sẽ không bao giờ để mình rơi vào tình trạng này. Ngay cả lý thuyết mà cô cố gắng vin vào cũng tỏ ra khó phù hợp với hoàn cảnh: Tìm được người mình yêu mới khó chứ tìm người yêu mình chỉ cần hoang tưởng chút là có ngay. Cơ bản nhất là phải tìm được cành cây để buộc dải lụa tình yêu của ta vào. Bao năm qua, cô hoàn toàn tin rằng dải lụa tình yêu của mình đã được cành cây của chính nó. Nhưng niềm tin đó của cô đã lung lay.
Dù sao thì mình cũng đã quá quen với cảnh này. Dù sao thì mình cũng không phải là người duy nhất phải chịu nỗi khổ của xa cách. Diệu An vụt nhớ ra câu chuyện của bạn gái cô, một người đã định cư tại Nga có chồng là đại gia ngành chế biến thực phẩm và kinh doanh trong cả lĩnh vực ngân hàng. Chồng cô ấy đến đảo Ship từ tháng 3 năm ngoái để mở chi nhánh công ty và mắc kẹt cho tới tận tết này. Họ không gặp nhau đã gần tròn năm bởi vì những chuyến bay giải cứu chỉ đủ chỗ cho công dân của nước Nga. Họ có tiền, có quan hệ nhưng vẫn không thể kiếm một chỗ ngồi trong những chuyến bay đó. Thế giới quả có nhiều chuyện nằm ngoài ý muốn của con người. Ý nghĩ đó khiến Diệu An cảm thấy mùa xuân không còn quá lạnh lẽo.
Ra giêng mình sẽ nghiêm túc suy nghĩ về chuyện có nên thay đổi cuộc đời hay không? Tình yêu có sự lấp lánh của nó nhưng khung cảnh gia đình ríu rít ấm áp cũng là một cảnh giới mà Diệu An ngày càng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nó.