Vẫn báo động thiếu máu

Đức Trân 06/08/2021 10:30

Trong 2 ngày 3 và 4/8, lượng người tới hiến máu đã đông hơn nhiều sau những lời kêu gọi.  Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã vận chuyển hàng nghìn đơn vị máu để chi viện các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, trước tình hình nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, nguy cơ thiếu máu vẫn luôn thường trực.

Ngay cả nhu cầu cấp cứu cũng không đủ

Theo TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố những ngày qua khiến hầu hết hoạt động hiến máu nhân đạo bị huỷ, dẫn đến lượng máu dự trữ tại Ngân hàng máu giảm dần, dự kiến trong 7 ngày tới sẽ chạm đến ngưỡng báo động dưới 3.000 túi máu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm máu sẽ xảy ra nếu không được bổ sung kịp thời, đặc biệt là nhóm máu O.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, những ngày qua, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu TP HCM tiếp nhận từ 30-50 túi máu, chỉ bằng 1/10 nhu cầu cung cấp cho gần 150 bệnh viện trong Thành phố, trong đó có các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy khi lượng tiểu cầu dự trữ tại đơn vị này chỉ còn vẻn vẹn 13 đơn vị, số lượng máu dự trữ cũng đã chạm tới mức dưới 3.000 đơn vị. Mỗi ngày, Trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng từ 15-17 lượt người đến hiến máu.

BSCKII Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ cũng chia sẻ: Kho máu của bệnh viện chỉ còn 830 đơn vị máu, nhóm O chỉ còn 72 đơn vị. Trong khi lượng máu cần để cung cấp cho 80 bệnh viện tại Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Chúng tôi chỉ cung cấp được cho các bệnh viện như Cà Mau, Tiền Giang, Châu Đốc…mỗi lần 5-10 đơn vị máu, với số lượng này, ngay cả nhu cầu cấp cứu cũng không đáp ứng đủ.

Thực tế tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Khánh Hoà. Ông Võ Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh Khánh Hoà cho biết, trung bình 1 tuần, trung tâm cung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ 300-500 đơn vị máu. Có nghĩa mỗi tháng, ở tỉnh cần có khoảng 1.500 đến 2.000 đơn vị máu hiến. Hiện tại, lượng máu dự trữ tại trung tâm còn khoảng 550 đơn vị, nếu tiếp tục xảy ra tình trạng trì hoãn lịch tham gia hiến máu tình nguyện ở các đơn vị thì trong thời gian tới, lượng máu cho cấp cứu và điều trị ở tỉnh sẽ thiếu hụt trầm trọng.

Chưa thể yên tâm

Tại miền Bắc, sau những lời kêu gọi được phát đi, một tuần qua số người tham gia hiến máu đã có sự cải thiện rõ rệt. 11.000 đơn vị máu đã được tiếp nhận tại Hà Nội, Sơn La, Nam Định, Hưng Yên, Lạng Sơn, Yên Bái… Ngày 3/8, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện 40 chuyến xe, vận chuyển gần 3.000 đơn vị máu đến 10 tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, các kho máu dự trữ cũng chưa thể yên tâm bởi ngay tại Hà Nội, hoạt động hiến máu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của dịch Covid-19 với hậu quả là hàng loạt lịch hiến máu đã bị huỷ hoặc lùi thời gian tổ chức. Chương trình Hành trình Đỏ - chiến dịch hiến máu lớn nhất hàng năm với sứ mệnh giải quyết tình trạng thiếu máu dịp hè gặp khó khăn chưa từng có khi đã trải qua nửa chặng đường mới chỉ tiếp nhận được chưa tới 50% lượng máu dự kiến. Có những thời điểm, các điểm hiến máu cố định trên địa bàn Thủ đô không có một bóng người.

TS Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện thì mỗi lần dịch bệnh bùng phát, gần như tình trạng khan hiếm máu đều xảy ra và ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 này xảy ra trên diện rộng và thời gian kéo dài. Nhiều tỉnh thành bị giãn cách trong đó có TP Hà Nội và TP HCM. Năm nay, theo dự kiến, các chương trình hiến máu tình nguyện và Hành trình Đỏ sẽ được diễn ra trong dịp hè, nhưng thực tế chúng ta chưa tiếp nhận đạt được 50% so với dự kiến ban đầu”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người cần truyền máu. Ước tính ở nước ta, mỗi ngày cần đến 5.200 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị.

Hiến máu không chỉ là một việc làm có ích cho xã hội mà còn mang lại nhiều sức khoẻ cho người hiến tặng như tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái, giảm quá tải sắt cho cơ thể, tăng tạo máu mới, giảm nguy cơ đột quỵ…Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện trở nên khan hiếm, do đó khuyến khích những người có đủ điều kiện nên tham gia hiến máu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn báo động thiếu máu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO