Để tạo điều kiện cho những người nông dân làm giàu từ những sáng chế của họ cũng như để hàng triệu nông dân cả nước có thể ứng dụng sản phẩm của các “kỹ sư hai lúa” trong sản xuất, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, thủ tục hành chính… để họ không thấy nản mỗi khi nghĩ tới hành trình đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ảnh minh họa.
Nếu làm một cuộc thống kê về những sáng chế, sáng tạo các loại máy móc, nông cụ của những nhà khoa học nông dân trên cả nước thì có lẽ là không thể. Từ nhỏ bé, khiêm tốn nhưng vô cùng hữu dụng như máy tẽ ngô, làm tinh bột nghệ, máy phun thuốc trừ sâu… đến lớn như hai chiếc trực thăng của nông dân Trần Quốc Hải (Tây Ninh) đã chứng minh tư duy và óc sáng tạo tuyệt vời của những “hai lúa” thời @.
Như khi chia sẻ về sáng chế máy vét mương anh Võ Văn Phước (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, "cứ mỗi lần vào vụ làm lúa là phải vét mương tạo rãnh cho mảnh ruộng, thời gian cũng mất đến vài ngày. Bởi vậy, tôi nghĩ đơn giản chế tạo được chiếc máy vét mương để giúp cho người nông dân rảnh tay làm việc khác”.
Và chỉ bằng những nguyên liệu cũ nát tại một xưởng cơ khí của người bạn, anh Phước đã sáng chế ra chiếc máy máy có thể đào được hơn 1.000 mét đất mỗi giờ, tương đương với 30 đến 40 người lao động đào đất bằng tay.
Hay như sáng chế của “hai lúa” Trần Thanh Tuấn, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang được rất nhiều người nhắc đến bởi nó xuất phát từ “tấm lòng với những người nông dân quê mình”. Nhận thấy sự độc hại và nguy hiểm của thuốc trừ sâu với người nông dân, anh đã bỏ ra 3 năm trời mày mò, nghiên cứu và đã cho ra đời chiếc máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa với trọng lượng gọn nhẹ, di chuyển bằng bánh xích, bình chứa thuốc 120 lít, cần phun xa bán kính 10m.
Còn nhiều, rất nhiều những máy móc, nông cụ của những người nông dân mà tính sáng tạo của nó cũng phải khiến các nhà khoa học không chỉ trong nước… giật mình. Thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu “hai lúa” làm giàu từ những sáng chế của mình hay có bao nhiêu nông dân cả nước được hưởng lợi từ những sáng chế ấy? Xin thưa, đó còn là một con số quá khiêm tốn.
Mặc dù, thời gian qua cũng có không ít chương trình, truyền thông vinh danh họ như những người nông dân tiêu biểu trong thời kỳ hội nhập. Có không ít tên tuổi của những nhà sáng chế nông dân vượt qua lũy tre làng, được xướng lên tại các sân khấu hoành tráng…Thế nhưng dường như vẫn chỉ là “thi xong xuôi tất cả lại về” và giấc mơ thương mại hóa những “đứa con tinh thần” của họ vẫn chỉ là mơ ước.
Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho những người nông dân làm giàu từ những sáng chế của họ cũng như để hàng triệu nông dân cả nước có thể ứng dụng sản phẩm của các “kỹ sư hai lúa” trong sản xuất, rất cần các cơ quan chức năng quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, thủ tục hành chính… để họ không thấy nản mỗi khi nghĩ tới hành trình đăng ký sở hữu trí tuệ.
Và cũng chỉ khi những sáng chế của mình không dừng lại ở ý tượng những “kỹ sư chân đất” mới có động lực tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.