Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại những xã, bản vùng sâu, vùng xa vẫn có thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy… mà không lường hết mối nguy hiểm cũng như việc vi phạm pháp luật. Bởi vậy, thời gian qua để tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công an các địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình xã, bản điển hình về công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, bước đầu đạt hiệu quả cao.
Người dân giao nộp súng săn cho lực lượng Công an.
Người dân tự giác giao nộp vũ khí tự chế
Tại huyện Lắk, thời gian qua tình hình an ninh trật tự luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Cùng với đó, tình trạng một số bà con dân tộc thiểu số sử dụng súng tự chế để săn bắn thú rừng, thậm chí có trường hợp sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn cá nhân gây ra hậu quả đau lòng. Trong các loại súng tự chế thì súng cồn đang có số lượng nhiều nhất. Đa số người dân tìm hiểu rồi mua nguyên liệu về tự chế, người nọ hướng dẫn cho người kia.
Thực hiện Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Quản lý, thu giữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” và nhằm góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, thời gian qua Công an huyện Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Để công tác này đạt hiệu quả, đơn vị thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín cùng vận động người dân giao nộp vũ khí. Theo ông Nông Văn Du, Trưởng buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, buôn Đắk Sar có khoảng 260 hộ, 1.029 khẩu, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống, mang theo các phong tục như sử dụng súng kíp, súng tự chế để bảo vệ mùa màng và săn bắn thú rừng nên hầu như nhà nào cũng có súng. Sau khi được chính quyền địa phương và cán bộ Công an huyện tuyên truyền về các mối nguy hiểm cũng như việc tàng trữ và sử dụng súng là vi phạm pháp luật nên bản thân ông đã tự nguyện giao nộp và vận động bà con làm theo.
Cùng với công tác tuyên truyền, nêu gương, cơ quan công an đã tiến hành rà soát, xác minh, lập danh sách những người sử dụng súng săn, súng tự chế để tuyên truyền, vận động bà con nhận thức được sự nguy hiểm và tự giác giao nộp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện chưa để xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào liên quan đến vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế. Năm 2016, Công an huyện vận động người dân tự giác giao nộp 51 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại. Những kết quả đó đã góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Phát huy vai trò già làng, người có uy tín
Còn tại Lai Châu, từ đầu năm 2017 đến nay, Công an tỉnh đã thực hiện tốt việc phối hợp, chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ tỉnh đến cơ sở, tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Đặc biệt, tỉnh cũng nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản; vận động linh hoạt, khéo léo để quần chúng tích cực tham gia, tự giác giao nộp các loại vũ khí. Tùy từng vùng, từng dân tộc để ngành chức năng chọn cách tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán của bà con cũng như xây dựng mô hình xã, bản điển hình về công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp nên từ đầu năm 2017 đến nay, Công an Lai Châu đã thu hồi 253 khẩu súng kíp, 211 khẩu súng hơi cồn, 30 nòng súng, 6 bẫy kiềng và nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí khác. Trong đó, nhiều nhất là huyện Phong Thổ, thu hồi được 13 khẩu súng kíp, 115 khẩu súng hơi cồn, 2 đầu đạn cối; huyện Than Uyên thu hồi 92 khẩu súng kíp, 30 khẩu súng hơi cồn. Tại một số xã trọng điểm, vùng sâu vùng xa như: Khun Há, Nà Tăm, Thèn Sin...Công an xã đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy xã, tiến hành tổ chức họp dân, tuyên truyền đến từng trưởng bản, bố trí lực lượng công an viên đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền cho bà con hiểu rõ tác hại của các loại vũ khí, vật liệu nổ để từ đó bà con tự giác giao nộp.
Điều quan trọng hơn cả là qua sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, mỗi người dân trong các thôn, bản đã nhận thức ra được sự nguy hiểm cũng như việc vi phạm pháp luật khi sử dụng vũ khí tự chế nên đã tự nguyện nộp cũng như vận động, tuyên truyền những người xung quanh cùng làm. Theo ông Vừ A Tùa, Bí thư Chi bộ bản Noong Quang, xã Khoen On, huyện Than Uyên, thì trước đây, trong bản thường sử dụng súng săn để báo hiệu có người mất, bà con dùng súng để săn bắt, bảo vệ trước thú dữ. Hầu như nhà nào trong bản cũng có súng tự chế. Tuy nhiên, từ khi được cán bộ công an xã, huyện và các cấp chính quyền tuyên truyền, người dân trong bản đã tiến hành giao nộp 7 khẩu súng kíp 3 nòng, 9 khẩu súng bắn cồn.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động
Mặc dù đã đạt được những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn các địa phương trên vẫn còn không ít khó khăn, do địa bàn rộng, một bộ phận nhân dân nhận thức còn hạn chế, đòi hỏi lực lượng chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật, giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ đang sử dụng trái phép cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, có diện tích rừng tự nhiên lớn; thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động người dân vào các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt chung. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp cũng cần bám sát địa bàn và tình hình tại cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý những đối tượng tự chế và sử dụng các loại súng tự chế để kịp thời ngăn chặn ngay từ hành vi ban đầu.
Bên cạnh việc ngăn chặn, thì cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần vận động nhân dân, đẩy mạnh các phong trào kinh tế, giúp người dân làm giàu chính đáng, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cũng là một cách góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.