Gần 10 ngày sau khi TP HCM cho phép các dịch vụ bán đồ ăn, đồ uống, cửa hàng thực phẩm... hoạt động theo hình thức mang đi, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, từ các chuỗi cửa hàng lớn cho tới hộ kinh doanh cá thể đều chưa mở cửa. Ngoài người bán, khách hàng cũng tỏ ra khá e dè khi tìm kiếm các loại thực phẩm mang đi này.
4 tháng qua cửa hàng cơm tấm của ông Nguyễn Văn Chiến, 52 tuổi ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) phải đóng cửa do dịch Covid-19. Dù được phép mở bán nhưng ông Chiến cho biết hai vợ chồng ông quyết định chưa kinh doanh.
“Gia đình tôi bán cơm tấm ở đây mười mấy năm rồi. Bình thường nguyên liệu đều chở tới tận nhà. Hôm trước tôi có gọi cho mấy mối, chỗ nào cũng báo giá cao gấp rưỡi bình thường vì vậy chúng tôi quyết định chưa mở cửa hàng”, ông Chiến cho biết.
Ngoài ra ông cũng cho biết theo quy định của chính quyền bắt buộc phải bán mang đi qua người giao hàng. “Mình bán buôn ở đây ai cũng biết nhưng giờ bán online thì làm gì có ai biết mà đặt hàng. Giờ ai cũng phải ngồi trong nhà, mình có mở bán khách cũng không biết. Người dân đi ngoài đường cũng không dám ghé mua vì có thể bị phạt”, ông Chiến nói.
Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, nhiều dịch vụ bán đồ ăn, đồ uống quen thuộc ở TP HCM đều chưa mở lại do quy định cả người bán lẫn người mua đều phải ở nhà, chỉ được giao dịch qua mạng. Đây là điều kiện tương đối khó với những hộ kinh doanh cá thể, hộ bán buôn nhỏ lẻ bởi họ chưa quen đưa sản phẩm của mình lên mạng cũng như cách tiếp cận nhóm khách hàng trên mạng. Ngoài ra nhiều khách hàng cũng cho biết các mặt hàng truyền thống quen thuộc cũng khó mua trên mạng online.
Nhưng không chỉ có hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngay cả các chuỗi cửa hàng ăn uống lớn có thương hiệu, sở hữu hàng chục địa điểm và đã bán hàng trên mạng cũng gặp khó trong tình hình hiện nay. Do yêu cầu phòng tránh dịch, quy định quản lý người lao động cũng rất chặt chẽ, di chuyển hạn chế khiến các chuỗi này đều chưa dám mở cửa.
Ông Lê Văn Duy, quản lý một cửa hàng hải sản ở phường Tân Thới Hiệp (quận 12) cho biết theo quy định mới (có hiệu lực từ ngày 7/9) về cho phép mở cửa kinh doanh thì các cơ sở chỉ được hoạt động từ 6-18h theo hình bán mang đi. Ngoài ra nơi bán phải đảm bảo các điều kiện gồm nhân viên 3 tại chỗ, kinh doanh theo hình thức đặt hàng trực tuyến và người giao hàng đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, người lao động tại cơ sở đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi và xét nghiệm định kỳ 2 ngày/lần. Đây là các quy định rất khó.
Nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau ít ngày triển khai mở cửa, chính quyền TP HCM đang có những động thái tạo điều kiện tiếp theo nhằm mang đến thuận lợi cho người dân. Cụ thể, thành phố dự kiến sẽ mở lại nhiều chợ truyền thống và cho phép người dân được đi chợ 1 lần/tuần.
Quy định này sẽ giúp nhiều người dân, hộ kinh doanh tiếp cận dễ dàng với chuỗi cung ứng nguyên liệu, không phụ thuộc hoàn toàn vào người giao hàng và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đây là phương án phù hợp và sẽ giúp nhiều hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng nhỏ lẻ dần dần phục hồi.
Việc mở lại chợ và cho phép người dân tham gia mua hàng trực tiếp 1 lần/tuần cũng sẽ giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa nguyên liệu. Điều này giúp tăng lượng khách hàng vì thời gian qua, giá nhiều loại thực phẩm đồ dùng đều bị đẩy lên khá cao, có khi gấp 2-3 lần (chủ yếu do vận chuyển) khiến nhu cầu mua bán trao đổi cũng bị hạn chế rất nhiều.