Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, dự án xe buýt nhanh (BRT) chạy dọc trục Đông-Tây ở địa bàn TP HCM với tổng chiều dài 23km, từng được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt hệ thống xe buýt ở thành phố. Tuy nhiên, dự án có tổng nguồn vốn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng đã tạm dừng năm 2017 vì không phù hợp. Cách đây ít ngày, chính quyền TP HCM lại quyết định cho tái khởi động lại dự án này dù còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó, khó khăn và vướng mắc lớn nhất ở dự án BRT trục đại lộ Đông-Tây (hay các tuyến khác) chính là yêu cầu phải có 1 đường riêng. Trong khi hạ tầng giao thông (cầu, đường) ở TP HCM đang thiếu hụt trầm trọng, việc dành hẳn 1 tuyến đường riêng dọc theo trục Đông-Tây dài 23km cho xe buýt chạy trong khi chưa rõ hiệu quả là điều rất bất thường.
Thực tế dự án BRT có kế hoạch từ trước năm 2013 nên trục đường Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ hiện nay đều dành diện tích đất để cho dự án này có thể hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống nhà chờ, đường dẫn… của BRT sẽ chiếm chỗ, gây ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện khác. Hiện nay BRT chưa đưa vào hoạt động nhưng trục đường Đông-Tây này vẫn xuất hiện tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở các đoạn giao cắt, đèn tín hiệu hay khu hầm Thủ Thiêm chạy ngầm qua sông Sài Gòn. Nếu phải dành một làn đường riêng cho BRT, chắc chắn áp lực hạ tầng dành cho các phương tiện khác sẽ vô cùng lớn.
Đặc biệt, ngoài trục Đông Tây này, ở TP HCM hiện nay rất thiếu hạ tầng để phát triển thêm các tuyến BRT khác. Nhiều đề xuất của Sở GTVT TP HCM như dành làn đường riêng cho xe buýt thường (như tuyến đường Võ Thị Sáu, quận 3) đã bị dư luận kịch liệt phản đối, phải hủy bỏ. Bởi thực tế các tuyến đường khu vực trung tâm TP HCM đang rất chật hẹp, thường xuyên ùn tắc kẹt xe mà cắt 1 làn riêng dành cho xe buýt sẽ khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng.
Bên cạnh việc thiếu hụt hạ tầng đáp ứng nhu cầu hoạt động của BRT, nguồn vốn dành cho dự án này cũng khiến nhiều người lo ngại. Dù có sẵn làn đường lưu thông nhưng dự án BRT cũng tiêu tốn tới hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn trong khi hiệu quả lại không chắc chắn. Ai cũng biết nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng ở TP HCM đang rất ít. Hệ thống xe buýt thường dù di chuyển linh hoạt, nhiều tuyến đan xen nhau cũng không thu hút được hành khách. Vì vậy, nếu chỉ phát triển “đơn độc” một tuyến BRT dọc trục Đông-Tây sẽ rất khó thu hút người dân tham gia.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, dù chưa áp dụng tại TP HCM nhưng mô hình xe buýt nhanh đã áp dụng mấy năm qua ở TP Hà Nội. Thực tế ghi nhận cho thấy, xe buýt nhanh ở Hà Nội dù có làn đường riêng, hệ thống nhà chờ hiện đại nhưng hiệu quả cũng không khác nhiều so với xe buýt thường chạy cùng tuyến. Đây không chỉ là thực tế mà còn là bài học kinh nghiệm cho TP HCM trước khi triển khai dự án. Việc đánh giá các ưu, nhược điểm của tuyến xe buýt nhanh tại Hà Nội sẽ giúp ích rất nhiều cho dự án BRT tại TP HCM.