Ngày càng có nhiều suy đoán từ những người trong ngành công nghệ về khả năng Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc sau khi cha ông qua đời.
Ông Lee Kun-hee, người đứng đầu Tập đoàn Samsung nhiều năm, cha đẻ của ông Lee Jae-yong , đã qua đời hôm 25/10 ở tuổi 78 sau khi trải qua hơn sáu năm nhập viện vì một cơn đau tim.
Ông Jae-yong, con trai cả và duy nhất của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung, đã tiếp quản nhiệm vụ điều hành Tập đoàn kể từ tháng 5/2014, khi cha ông bị suy sụp vì đau tim. Ông Lee Jae Yong đã trở thành chủ tịch trên thực tế của cả tập đoàn và được nhiều người gọi bằng danh xưng "Thái tử Samsung".
Năm 2018, Cơ quan Giám sát thương mại công bằng của Hàn Quốc đã công nhận ông Lee Jae-yong là người đứng đầu Tập đoàn Samsung.
Tuy nhiên, cho đến nay, Phó Chủ tịch 52 tuổi của Samsung Electronics (vốn được xem như "con gà đẻ trứng vàng" của cả tập đoàn) vẫn chưa đảm nhận chức danh Chủ tịch Samsung, trong khi người thừa kế của các tập đoàn lớn khác ở Hàn Quốc đã đảm nhận chức danh này.
Với việc người thừa kế Tập đoàn ô tô Hyundai Chung Euisun được thăng chức Chủ tịch vào đầu tháng này, ông Lee hiện là người duy nhất trong số những người đứng đầu của bốn tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc không giữ chức Chủ tịch.
Một Giám đốc Điều hành của một tập đoàn địa phương giấu tên cho biết: “Có vẻ ông Lee cho rằng, việc ông ấy đảm nhận chức danh Chủ tịch khi cha mình còn sống là không đúng. Vì ông Lee đã được những người khác công nhận là lãnh đạo trên thực tế của Samsung nên ông ấy có thể không quan tâm nhiều đến việc giành được chức danh Chủ tịch".
Tuy nhiên, do hiện chỉ nắm giữ số cổ phần rất nhỏ trong Samsung Life Insurance và Samsung Electronics, những người trong ngành suy đoán ông Lee Jae Yong có thể sẽ chọn thừa kế quyền sở hữu cổ phần của cha ông để nắm chắc hơn tập đoàn.
Trong một tuyên bố bất ngờ hồi tháng 5 năm nay, ông Lee Jae Yong đã xin lỗi công chúng và cam kết sẽ không bao giờ để những tranh cãi liên quan việc "kế vị" xảy ra.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ không tìm cách trao lại quyền quản lý tập đoàn cho con, ám chỉ khả năng Samsung sẽ không còn là một tập đoàn gia đình trị (Chaebol) như hiện tại.
Thông tin từ Samsung cho biết, không có gì được thảo luận về việc thăng chức của ông Lee, nhưng sau cái chết của cố Chủ tịch Lee Kun-hee, những người trong ngành công nghệ suy đoán rằng, Tập đoàn sẽ bắt đầu xem xét lại chức danh của Lee Jae-yong.
Trước đây, ông Lee Kun-hee nắm giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn chỉ 20 ngày sau khi cha ông, người sáng lập Tập đoàn Samsung Lee Byung-chull qua đời vào tháng 11/1987. Ông Lee Kun-hee chỉ mới 45 tuổi khi ông chính thức kế vị cha mình.
Nhưng một số nhà quan sát cho rằng việc thăng chức Chủ tịch của Lee Jae-yong có thể không khả thi trong thời điểm hiện tại vì ông hiện đang phải đối mặt với các phiên tòa có thể khiến ông phải ngồi tù một lần nữa.
Ông Lee đã bị truy tố vào tháng trước vì những cáo buộc trong một vụ sáp nhập gây tranh cãi và gian lận tài chính liên quan đến việc kế vị của ông.
Các công tố viên nghi ngờ rằng Lee và ban lãnh đạo cao nhất của Samsung đã tham gia vào một kế hoạch đã được hiệu chỉnh để cố ý hạ thấp giá trị của Samsung C&T Corp. trước khi sáp nhập với Cheil Industries Inc. vào năm 2015 để tạo điều kiện cho Lee kế vị quyền quản lý từ cha mình.
Ông cũng chống lại một vòng xét xử khác trong một vụ án tham nhũng dẫn đến việc lật đổ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Ông Lee đã ngồi tù khoảng một năm vì vụ này.
Ông Lee đã được trả tự do vào tháng 2/2018 sau khi được tuyên án treo tại tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, sáu tháng sau, Tòa án tối cáo của Hàn Quốc đã ra lệnh xem xét lại bản án treo.
"Lee Jae-yong là một doanh nhân hiện không chỉ đại diện cho Samsung mà còn cả Hàn Quốc. Người ta mong đợi rằng, Samsung sẽ thảo luận về việc thăng chức của ông ấy", một quan chức của một tập đoàn địa phương cho biết.