Vẫn lo tai nạn đuối nước

Nghĩa Toàn 25/07/2023 06:38

Mặc dù, số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng tử vong do đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Đáng lo ngại hơn khi số trường hợp trẻ đuối nước có sự gia tăng đột biến trên phạm vi cả nước.

Trẻ nhập viện do đuối nước Ảnh: BV Nhi trung ương.

Sáng 23/7, UBND xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến một học sinh tử vong. Nạn nhân được xác định là em L.V.C. (16 tuổi, trú xã Hải Long, huyện Hải Hậu). Được biết, em C. hiện đang ở nhà bà ngoại ở xã Hải Quang, huyện Hải Hậu để học tập.

Theo đó, vào khoảng 10h45 ngày 21/7, em C. cùng một bạn nam khác ra sông Múc ở trước nhà tắm. Khi cả hai đang tắm thì bất ngờ C. bị đuối nước. Ngay sau đó, người dân phát hiện và đưa lên bờ đi cấp cứu nhưng trẻ không qua khỏi.

Trước đó, tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra vụ đuối nước làm 3 học sinh tử vong thương tâm. Cụ thể, ngày 21/7, 3 em nhỏ (học sinh lớp 1 và lớp 4) theo cha mẹ đi chăn bò thuê. Sau đó, các em đã cùng tắm tại hồ chứa nước thuộc địa bàn xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Sau khi không thấy các con đâu, người nhà vội đi tìm. Đến khoảng 14h cùng ngày, người dân phát hiện thi thể các em đã tử vong do đuối nước dưới hồ.

Tại Nghệ An, thông tin từ xã Thạch Sơn cho biết, trưa 20/7, 2 anh em và cháu T. V. H. Đ. (11 tuổi, trú cùng xóm) rủ nhau đi chơi. Đến chiều cùng ngày, không thấy các em về nhà, người thân đi tìm và phát hiện dép, quần áo, xe đạp của các em trên bãi sông Lam, khu vực bến đò xã Thạch Sơn.

Sau hơn một ngày đêm nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của cả 3 cháu mất tích trên sông Lam. Trong đó, thi thể 2 anh em ruột đã được tìm thấy vào lúc hơn 15h ngày 21/7. Vị trí phát hiện thi thể 2 em cách hiện trường ban đầu khoảng 3-4 km. Còn thi thể của cháu Đ. được tìm thấy vào sáng 21/7.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Nguy cơ trẻ tử vong do đuối nước luôn là vấn đề được các chuyên gia y tế cảnh báo. Tai nạn đuối nước diễn ra quanh năm, nhưng mùa hè luôn là thời kỳ cao điểm. Thời tiết nắng nóng lại rơi vào những tháng nghỉ hè nên các cháu đi bơi và khả năng đuối nước vì vậy cũng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, với bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước của trẻ hoặc do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong việc quản lý, giám sát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em”.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn chia sẻ, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong trường hợp được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng để lại biến chứng nặng như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thưỡng não do thiếu ô xy kéo dài. Chính vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, việc nâng cao ý thức cảnh giác của những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ là điều vô cùng cần thiết.

Mỗi năm, tai nạn đuối nước cướp đi mạng sống của gần 2.000 trẻ em. Trong đó, trẻ em từ 6 - 15 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển. Nhiều trường hợp, các em gặp nạn khi đang cố gắng cứu đuối bạn mình. Đối với trẻ dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị đuối nước ở gần hoặc ở sát nhà mình, trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch, kể cả các vũng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn lo tai nạn đuối nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO