Mặc dù Bộ GDĐT, nhiều Sở GDĐT đã có văn bản chỉ đạo về các khoản thu đầu năm nhưng năm nào cũng vậy, rất nhiều loại tiền gắn mác “tự nguyện” hoặc “do hội phụ huynh tự bàn bạc, nhà trường không biết” khiến các bậc phụ huynh không khỏi than Trời.
Tháng 9, tháng khai trường của cô và trò đã trở thành tháng “mùa thu” - “thu” với ý nghĩa là “thu tiền” chứ không phải mùa thu với nắng nhẹ, lá vàng.
Đầu năm học, phụ huynh luôn bất an về các khoản “lạm thu” tiền trường Nguồn: 24h.com.vn.
Mới mà không mới
Có con đang theo học tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai, chị Trần Ngọc Anh (Khu đô thị Nam Đô, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trong buổi họp phụ huynh đầu năm vừa diễn ra cuối tuần qua, cô giáo chủ nhiệm thông báo số tiền thu đầu năm đối với con trai chị đang học lớp 7 là gần 4 triệu đồng.
Bên cạnh các khoản thu bắt buộc như bảo hiểm xã hội, tiền ăn, tiền học phí, tiền bán trú là cố định, học sinh nào cũng phải nộp thì các khoản mang tên “tự nguyện” khiến chị rất băn khoăn.
Cụ thể, nhà trường có chủ trương sửa chữa lại bãi để xe cho học sinh vì số học sinh tăng lên hàng năm, bãi để xe cũ quá tải và cũng có nhiều hỏng hóc.
Nhà trường đã họp với Hội cha mẹ học sinh để đi đến thống nhất mỗi học sinh “hỗ trợ tự nguyện” một số tiền giảm dần theo từng năm.
Chẳng hạn học sinh khối 6 là 300 nghìn đồng, khối 7 là 250 nghìn đồng, khối 8-9 lần lượt là 200 nghìn đồng và 150 nghìn đồng.
“Không phải học sinh nào cũng đi xe đạp đến trường, như gia đình tôi thuê người đưa đón cháu cả sáng và chiều để đảm bảo an toàn. Nếu thực hiện xã hội hóa thì nhà trường nên chia theo việc các cháu có gửi xe ở trường hay không tôi nghĩ là hợp lý hơn”- chị Ngọc Anh chia sẻ.
Theo chị Ngọc Anh, kiến nghị này chị đã góp ý ngay trong cuộc họp phụ huynh và được nhiều phụ huynh khác đồng tình. Cô giáo chủ nhiệm cũng cho biết sẽ tổng hợp những góp ý này về trường để có quyết định cuối cùng. Nhưng một khoản tiền mà năm nào chị cũng phải nộp với rất nhiều bức xúc đó là “quỹ hội phụ huynh” do Hội phụ huynh của lớp thu, cụ thể năm nay là 1,2 triệu đồng cho 2 học kỳ, “nếu có phát sinh trong năm sẽ thông báo tiếp với các phụ huynh”.
“Ban đại diện phụ huynh đã họp và ấn định số tiền này nên các gia đình khác cũng ngại phản đối, nhất là khi lớp con tôi là lớp chọn, các giáo viên đều là những thầy cô giỏi của trường nên đại diện Hội phụ huynh của lớp thuyết phục mọi người đầu tư cho con đừng tiếc. Nhưng điều kiện mỗi gia đình khác nhau, không phải cháu nào vào lớp chọn gia đình cũng đều khá giả” - chị Ngọc Anh tâm tư.
Theo chị Lan Phương, phụ huynh đang có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Q. Cầu Giấy, Hà Nội, năm nay trường chưa tổ chức họp phụ huynh.
Tuy nhiên, như kinh nghiệm của những năm học trước, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục nhưng lại yêu cầu các con mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần.
“Trong lớp cũng có bạn xin được đồng phục từ người thân, họ hàng nên chỉ phải mua 1 bộ là đủ. Nhà tôi không xin được ai, con lại đang tuổi ăn tuổi lớn nên không mặc vừa đồng phục năm trước, phải mua tất cả là 1,7 triệu đồng mới tạm đủ quần đồng phục cho con mặc cả tuần vì nhiều khi trời mưa, rét, quần áo không kịp khô. Hy vọng năm nay có thay đổi” – chị Lan Phương chia sẻ.
Theo chị Phương, năm học trước quỹ hội phụ huynh cả năm của con chị là 1,3 triệu đồng. Họp cuối năm, ban đại diện công bố bảng kê chi tiết thu chi, bị “âm” mất gần 1 triệu đồng nhưng chưa thu ngay mà để đến năm nay thu dồn luôn.
Mặc dù thấy có những điều vô lý nhưng lại vì “không tiện phản ứng giữa cuộc họp đông người” nên cuối cùng, chị cũng như bao phụ huynh khác trong lớp cũng tặc lưỡi cho qua. Chị thẳng thắn cho biết, năm nay chắc tình trạng cũng tương tự nhưng chắc chẳng có phụ huynh nào thắc mắc…
Minh bạch thông tin: Dễ mà khó
Ghi nhận tại một số trường khác trên địa bàn Hà Nội như Trường Tiểu học Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), do mới được xây dựng, bắt đầu hoạt động từ năm học này nên nhà trường cần trang bị rất nhiều cơ sở vật chất mới như các lớp học cần lắp rèm chống nắng, điều hòa, bảng tương tác…
Nhiều ý kiến được đưa ra nhưng theo anh Trọng An (KĐT Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội), đây là các khoản thu tự nguyện nên cần sự tham gia góp ý của tất cả các bậc phụ huynh.
Nếu ngại phát biểu trước lớp, các lớp có thể lập nhóm trao đổi trên mạng để tiện đề xuất vì phần đông học sinh đều là con em trong khu đô thị, gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình nên những gì thực sự cần thiết hãy trang bị, không nhất định phải sắm thứ “xịn” nhất, “đắt” nhất mà cần chọn những trang bị phù hợp với mục đích sử dụng và giá tiền hợp lý…
Minh bạch các khoản thu chi đầu năm, khoản nào là tự nguyện, khoản nào là bắt buộc là yêu cầu được Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT quán triệt tới các trường.
Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng không phải trường nào cũng áp dụng đúng, đủ. Chẳng hạn, rất nhiều khoản tiền như tiền nước uống, tiền vệ sinh, tiền phô tô tài liệu, tiền mua báo… được cô giáo chủ nhiệm đọc trên lớp công khai nhưng khi thu tiền thì không hề có phiếu thu.
Hoặc nhiều trường cho biết đã thông báo tới các giáo viên chủ nhiệm trước khi thu bất cứ khoản thu tự nguyện nào phải xin ý kiến của Ban giám hiệu và phụ huynh. Chỉ khi nào 100% phụ huynh trong lớp đồng ý bằng văn bản, Ban giám hiệu chấp thuận, Ban phụ huynh mới được phép thu.
Tuy nhiên, cũng như việc dạy thêm học thêm khi kiểm tra đều có đơn xin học tự nguyện của học sinh và gia đình nhưng thực sự có bao nhiêu phần trăm là tự nguyện trong đó thì rất khó nói!
Trước đó, ngày 30/6, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các địa phương và các cơ sở giáo dục trên cả nước cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018.
Bên cạnh việc thu mức học phí như quy định đã ban hành, đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học.
Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng công bố đường dây nóng để các bậc phụ huynh phản ánh chuyện lạm thu trong trường học.
Nhưng với danh nghĩa tự nguyện, rất nhiều khoản thu mà Ban phụ huynh lớp, Hội cha mẹ học sinh nhà trường đưa ra trên cơ sở đã thống nhất, bàn bạc từ trước thì có bao nhiêu phụ huynh phải ngậm ngùi đồng ý dù trong lòng đầy bức xúc?
Một giáo viên tiểu học ở huyện Ba Vì, Hà Nội, cho biết rất sợ những ngày đầu năm, bên cạnh việc phải lo ổn định trật tự lớp mới, lo bài giảng, lo dự giờ… thì lo nhất là làm sao thu đủ các khoản để nộp về nhà trường.
“Không ít gia đình khó khăn, chúng tôi hướng dẫn phụ huynh làm đơn xin miễn giảm học phí nhưng còn nhiều khoản bắt buộc khác không thể miễn được. Có khi chấp nhận mất thi đua tháng đấy vì có nhắc các em cũng không đóng đủ tiền, có khi cô còn phải bỏ tiền túi ra nộp cho trò cho đủ để các em khỏi xấu hổ với bạn học”- cô giáo này tâm sự.
Có dấu hiệu lạm thu, Hiệu trưởng bị đình chỉ công tác 15 ngày Chiều 11/9, trao đổi với báo chí, ông Bùi Thế Hiệp - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết: Sáng 11-9, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định và tiến hành đọc quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Hữu Đạt - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Theo đó, ông Đạt bị đình chỉ công tác 15 ngày để các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra về những dấu hiệu sai phạm các khoản thu đầu năm học 2017-2018 mà báo chí đã phản ánh trong mấy ngày qua. “Trong thời gian thanh, kiểm tra nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Quan điểm của chúng tôi là xử lý đúng người, đúng tội, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, để các cá nhân có liên quan phải tâm phục, khẩu phục” - ông Hiệp nhấn mạnh. Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện tờ thông báo về các khoản thu đầu năm của học sinh được ghi là của Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Tờ thông báo liệt kê các khoản thu đầu năm bao gồm tiền kỹ năng sống, vở viết, vở bài tập, đồng phục... Khoản thu nhiều nhất là tiền học thêm (hơn 3 triệu đồng). Theo thống kê, 20 khoản thu có tổng số tiền lên tới 9.188.000 đồng, trong đó có nhiều khoản thu chưa được sự thống nhất từ hội cha mẹ học sinh và cũng chưa được cơ quan chức năng của huyện cho phép triển khai thu khiến dư luận bức xúc. Nhật Anh |