Mua hàng trên mạng, nhiều khách hàng đã nhẹ dạ chuyển tiền trước cho chủ cửa hàng, kết quả hàng không có mà tiền lại mất. Nhiều người muốn có thu nhập thêm đã làm cộng tác viên cho các shop trên sàn thương mại điện tử, kết quả tiền lương không có, tiền cọc lại mất. Những chiêu thức cũ lừa đảo chiếm đoạt tiền không mới, nhưng vì sao nhiều người vẫn sập bẫy?
Chị Trần Hà Phương (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) kể, vào thời điểm 13h ngày 19/4, chị nhận được cuộc điện thoại từ số lạ xin được làm phiền 2 phút kèm với lời giới thiệu: “Em làm ở công ty đa phương tiện, bên em đang tìm kiếm người để ấn nút thích (like) và chia sẻ (share), tăng tương tác cho video, clip. Chị chỉ cần cộng tác mỗi ngày, tranh thủ thời gian nhàn rỗi là có thể có thêm thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/ ngày”.
Đầu dây bên kia còn hướng dẫn, chị chỉ mất thời gian xem và tương tác, không mất chi phí gì là có ngay tiền vào cuối ngày. Nhưng với độ cảnh giác cao và xác định chẳng có bữa ăn nào là miễn phí, đây chắc chắn lừa đảo nên chị đã trả lời ngay là không có nhu cầu và dập máy.
Song, không phải ai cũng như chị Trần Hà Phương, nhiều người dân khác vì nhẹ dạ cả tin với các lời mời gọi làm cộng tác viên trên mạng, cuối cùng bị chiếm đoạt tiền.
Chẳng hạn chị T.H. ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể, khi đang tìm kiếm việc làm thêm, chị đọc được một đoạn quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội về việc chốt đơn hàng ảo cho Shopee, hưởng hoa hồng 10% giá trị đơn. Chị chủ động kết bạn và hỏi chuyện thì được yêu cầu cung cấp số điện thoại, tài khoản ngân hàng để cấp mã cộng tác viên. Phía công ty gửi link các sản phẩm của Shopee để thanh toán.
Đơn hàng đầu tiên mà chị T.H. nhận thanh toán chỉ 150.000 đồng. Sau đó chị được nhận lại số tiền gốc 150.000 đồng và tiền trả công 15.000 đồng. 2 hôm sau, các đơn hàng mà chị được yêu cầu thanh toán để hưởng hoa hồng cao dần lên 350.000 đồng và 550.000 đồng. Đến ngày thứ 3, tổng các đơn hàng mà chị thanh toán lên tới 1.200.000 đồng. Sau những lần này, số tiền gốc và tiền lãi chị được nhận về đúng như cam kết.
Vậy nhưng đến ngày thứ 4 đang làm việc, chị nhận thanh toán đơn hàng lên 1.800.000 đồng thì hoàn toàn mất liên lạc với công ty. Chỉ đến lúc này chị mới biết bị lừa, mà không dám nói với người thân. “May mà còn mất ít, chứ mình cứ tin và làm theo thêm thời gian nữa thì tiền còn mất nhiều hơn” - chị T.H. kể chuyện và tự an ủi bản thân.
Còn chị Nguyễn Thu Thuỷ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại kể câu chuyện của mình rằng, chị hay mua sắm online. Với tính cẩn trọng chị thường nói chuyện với chủ shop để hỏi về hàng rồi mới đặt.
“Có một hôm, tôi thích một cái quần và đã hỏi cẩn thận thì được chủ shop thông báo là hàng này là hàng đặt từ Trung Quốc nên phải chuyển khoản trước để shop đặt hàng, 2 tuần sau hàng về đến tay. Không do dự tôi chuyển ngay số tiền 1.200.000 đồng cho chủ shop. Hơn 1 tháng sau, không thấy giao hàng, lên mạng lục tìm lại shop thì shop đã biến mất, lần tìm các thông tin liên quan đến Facebook, hay Zalo cũng chẳng có, tôi mới biết mình bị lừa” - chị Thuỷ kể.
Ngoài các trường hợp lừa đảo kể trên, thời gian qua còn có mánh khóe lừa đảo nữa là các đối tượng mở shop bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử, các đối tượng này cũng sẽ nhận đơn hàng từ khách hàng nhưng đặt ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng, nhưng do đã có thông tin khách hàng, nên sẽ tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Các đối tượng sẽ tạo đơn vận chuyển đến người mua, thông qua các công ty logistics và hẹn giờ trả hàng vào khung giờ nhập nhoạng tối khiến khách hàng khó nhận diện hàng giả, hàng nhái hoặc trả hàng vào giờ cao điểm - khách chỉ có thể nhận hàng và thanh toán vội vàng.
Thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ. Cùng với tiện ích thì đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” với những kẽ hở cho gian thương trục lợi, lừa đảo.
Thống kê từ Bộ Công thương, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng trên mạng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin ra nhận định, có nhiều người dễ tin nên rất dễ bị dụ dỗ tham gia vào đường dây đa cấp có quy mô lớn. Với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà và lương cao và không ít người đã bị sập bẫy lừa đảo.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng; thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn. Khi nhận được thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của các doanh nghiệp qua kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng.