Vân tay Nguyễn Nhật Ánh

Hoàng Thu Phố 26/12/2020 14:00

Nguyễn Nhật Ánh đã tìm cho mình một con đường riêng trong văn chương: viết cho trẻ em. Lối đi ấy manh nha từ những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Nhật Ánh, càng ngày càng định hình rõ, và đến nay, không nghi ngờ gì nữa, đã thành một lối đi riêng, một con đường riêng. Con đường ấy, có mã số riêng, in đậm dấu vân tay Nguyễn Nhật Ánh!

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Hà Nội một ngày đầu tháng 12 se lạnh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện giản dị, ông khoác thêm chiếc áo mỏng. Tin nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mặt trong lễ “sinh nhật” bộ sách “Kính vạn hoa” tròn 25 tuổi ít nhiều gây hưng phấn cộng đồng những người hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở phía Bắc. Thế nên, không lạ, khi có độc giả đến từ rất sớm để chờ đợi xin chữ ký nhà văn.

Lâu rồi, chuyện độc giả xếp hàng từ rất sớm, và tạo thành một hàng rất dài, để đợi xin chữ ký của Nguyễn Nhật Ánh đã trở nên quen thuộc. Và nhà văn xứ Quảng này cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để tặng chữ ký cho bất cứ độc giả nào còn đang đứng đợi, bất kể đã quá giờ của ban tổ chức sự kiện đề ra. Một số sự kiện, ông còn đến bắt tay những độc giả đến xếp hàng từ sớm, như bày tỏ một sự tri ân, như cài đặt một lời xin lỗi bởi ông không thể đến sớm hơn được.

Nguyễn Nhật Ánh, ở các sự kiện mà tôi có dịp chứng kiến, đều thấy ông muốn tri ân độc giả của mình. Ở Việt Nam, ít, thậm chí chưa có nhà văn nào tạo được sức hút như Nguyễn Nhật Ánh. Giữ được độ bền như ông lại càng không có.

Vậy “bùa phép” gì đã khiến Nguyễn Nhật Ánh làm được điều đó?

Trả lời câu hỏi ấy, xin bắt đầu bằng việc mượn chiếc kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, lắc một cái, trở về 25 năm trước.

Đó là năm 1995. Khi ấy, Nguyễn Nhật Ánh tròn 40 tuổi. Khi ấy, thị trường sách thiếu nhi bắt đầu có tình trạng sách ngoại lấn át sách nội. Cơn sốt của những bộ sách dài kỳ “Tứ quái TKKG” (Đức), truyện tranh Đôrêmon (Nhật Bản) khiên ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc NXB Kim Đồng khi đó nghĩ ngợi. Dưới góc độ của người bán sách, cứ chạy theo nhu cầu độc giả mà phục vụ là “thắng”. Nhưng cái tâm của người làm sách lâu năm, lại là người cầm cương của một nhà xuất bản lớn nhất cho thiếu nhi ở Việt Nam, sứ mệnh đó đòi hỏi ông Nguyễn Thắng Vu phải tìm một cánh cửa khác. Ông nghĩ đến một bộ sách “made in Vietnam”. Thêm nữa, nếu ai đã gặp ông Nguyễn Thắng Vu, ẩn sau nụ cười hiền hiền thường trực, sẽ thấy ông rất cá tính và yêu thương con trẻ. Con người ấy, vị trí ấy khiến ông nhanh chóng bàn bạc trong nội bộ để tìm kiếm, đặt hàng một nhà văn viết một bộ truyện thiếu nhi “thuần Việt”.

Nhà văn Lê Phương Liên- cựu biên tập ở NXB Kim Đồng nhớ lại: “Khi đó, anh Nguyễn Thắng Vu trong vai trò Giám đốc NXB rất quyết tâm xây dựng một bộ sách thiếu nhi của Việt Nam. Chúng tôi đã đi tìm rất nhiều tác giả, và nhận thấy có một tác giả trẻ, rất sung sức, đầy triển vọng, có khả năng thực hiện được một bộ sách như vậy. Đó là anh Nguyễn Nhật Ánh. Tôi đã đi gặp anh Nguyễn Nhật Ánh tại Hội nghị người viết văn trẻ toàn quốc năm 1994, theo yêu cầu của anh Nguyễn Thắng Vu để mời anh viết cho Kim Đồng…”.

Bây giờ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ở tuổi 65. Không già nhưng hẳn cũng không còn trẻ và không thể sung sức như 25 năm trước. Chính ông, khi trò chuyện, cũng thừa nhận, thời gian đủ để ông quên nhiều kỉ niệm, quên nhiều chi tiết quanh việc viết và xuất bản bộ sách “Kính vạn hoa”.

Nhưng khi những ký ức được khơi gợi, những chuyện xưa như cuộn phim được tua lại. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể, khi nhận lời viết một bộ sách dài kỳ cho thiếu nhi Việt Nam ban đầu chỉ nghĩ đó như một cuộc dạo chơi nho nhỏ. Ban đầu, ông viết liền 5 tập đầu tiên để gửi ra in để nhà xuất bản “thẩm định” trước. Rồi sau đó, cứ mỗi tuần viết 1 tập. Ròng rã kéo dài 7 năm trời. “Lúc đầu tôi đâu hình dung được viết “Kính vạn hoa” lại gặp nhiều áp lực lớn đến thế. Nhiều lần tôi đã tính bỏ cuộc”- nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể.

Áp lực đầu tiên mà Nguyễn Nhật Ánh phải đối diện, đó là sự định kỳ của bộ sách. Mỗi tuần, dù bận gì, dù sức khỏe thế nào, cảm xúc ra sao không biết, ông cứ phải hoàn thành một tập. Mà một tập “Kính vạn hoa” không thể dài hơn, không thể ngắn hơn. Cứ đúng 10 chương, khoảng 190 trang in khổ nhỏ.

Áp lực tiếp: Xong mỗi tập chưa kịp thở phào, phải nghĩ ngay ra cái tên tập tiếp theo và nội dung chính để giới thiệu ở bìa 4.

Ở áp lực này, lại sinh ra một thử thách mới, mà bây giờ, nhà văn bảo, chính đó lại rèn luyện cho mình về sự kiên trì, ứng biến và hợp tác. Thử thách ấy là, có lần, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường - người được đơn vị xuất bản mời làm bìa và vẽ minh họa cho bộ sách "Kính vạn hoa" - đã vẽ trước bìa để giới thiệu ở bìa 4. Nhà văn dẫn chứng, ở tập “Xin lỗi mày, tai to”, ông dự tính câu chuyện ở tập sau sẽ liên quan đến nhỏ Hạnh và con chó sẽ phải đối đầu với một tên trộm. Nhưng khi sách ra, họa sĩ Đỗ Hoàng Tường lại vẽ hai tên trộm. Nguyễn Nhật Ánh rất bất ngờ, và ông thắc mắc, thì họa sĩ bảo “Tôi muốn vẽ vậy cho cân xứng, đẹp hơn”. Khi đó bản thảo tập kế tiếp đã cho vào bao thư chuẩn bị gửi ra Hà Nội để xuất bản, nhà văn đã phải nghĩ cách để cho thêm một tên trộm nữa vào cho phù hợp với minh họa bìa mà không đội số trang. “Thông thường, họa sĩ vẽ theo ý tưởng của tác giả. Nhưng ở đây, tôi lại phải viết theo ý của họa sĩ”- nhà văn hóm hỉnh.

Dẫn lại câu chuyện này, để muốn đề cập đến một trong những câu chuyện bếp núc của nhà văn khi viết “Kính vạn hoa”. Nó chưa chắc đã phải là câu chuyện tiêu biểu, nhưng phần nào cho thấy khả năng làm việc liên tục, sáng tạo và thích ứng với những điều “bất ngờ”, ngoài dự tính. Nếu không có tâm thế của một người viết chuyên nghiệp, không có thái độ ứng xử phù hợp, rất dễ gây ra những ức chế và khó mà đi đường dài.

Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó Nguyễn Nhật Ánh đã có nhiều đầu sách “lậm lưng”, như “Trước vòng chung kết”, “Cú phạt đền”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Chuyện cổ tích dành cho người lớn”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Chú bé rắc rối”, “Mắt biếc”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Bồ câu không đưa thư”, “Trại hoa vàng”, “Buổi chiều Window”… Phải nói là không ít, và nhiều tác phẩm trong số đó được bạn đọc săn đón, được tái bản. Thế thì, rất dễ người ta có thể vì chút khúc mắc mà bỏ ngang chừng.

Chiếc máy đánh chữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và bản in mới nhất bộ sách “Kính vạn hoa”.

Chính Nguyễn Nhật Ánh cũng thừa nhận, vì không chuẩn bị tâm lý về bộ sách kéo dài tới 7 năm với nhiều áp lực “không có trong kịch bản”, nên hơn một lần ông đã định dừng lại. Khi viết đến tập 25, ông đã chuẩn bị sẵn lời tạm biệt bạn đọc để đính vào bìa bốn bản thảo gửi đi, thay cho lệ thường là lời rao cho tập kế tiếp. Thế nhưng, vì thấy bạn đọc đang đón đợi, phút cuối ông lại cất đi lời tạm biệt đó. Rồi còn một vài lần tương tự như thế.

May mà nhà văn không bỏ ngang chừng, nếu không “Kính vạn hoa” đã không có một happy ending như thế.

Ở thời điểm ra mắt, “Kính vạn hoa” đã tạo nên hiện tượng có một không hai trong làng xuất bản, xô đổ nhiều kỷ lục, làm kinh ngạc nhiều người: bộ truyện của tác giả Việt Nam nhiều tập nhất, ngay lần đầu đã đạt con số 1 triệu bản, tái bản nhanh nhất, có nhiều nhân vật nhất (khoảng 200 nhân vật), thư bạn đọc gửi cho tác giả nhiều nhất…

Có một chi tiết mà nhà văn Lê Phương Liên tiết lộ, để giữ chân Nguyễn Nhật Ánh, ông Nguyễn Thắng Vu đã đi đến một quyết định “ngoại lệ”: Tạm ứng cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một khoản tiền là 50 triệu đồng để anh yên tâm sáng tác "Kính vạn hoa". Và ngay từ lần in đầu tiên, “Kính vạn hoa” đã được dán mác “Tủ sách vàng” – vốn dành cho những tác phẩm đã nổi tiếng của các nhà văn tên tuổi như: “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng), “Sao Khuê lấp lánh” (Nguyễn Đức Hiền)... Đây cũng là một “ngoại lệ” mà hồi đó đã xuất hiện những ý kiến băn khoăn.

Nhưng đó là một thái độ, một cách ứng xử được cho là khôn khéo và tài tình của ông Nguyễn Thắng Vu - người có đôi mắt xanh trong việc nhìn người, tin người, dùng người.

Cách ứng xử ấy có thể mãi mãi ghim cài vào trí nhớ, vào con tim những người từng có dịp cộng tác, đồng hành với ông Nguyễn Thắng Vu. Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những ứng xử của vị giám đốc ấy khiến ông không có cách gì khác là đúng hẹn và viết bằng tất cả tài năng, nhiệt huyết của mình.

Trước và sau “Kính vạn hoa”, Nguyễn Nhật Ánh còn rất nhiều tác phẩm khác. Đặc biệt là những năm gần đây, thị trường xuất bản lúc thịnh lúc suy nhưng tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn ra mắt, năm nào cũng in lần đầu trên 100 ngàn bản, và luôn đứng đầu danh sách best seller. Nhưng “Kính vạn hoa” vẫn là bộ sách để lại một dấu vân tay đậm nét của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một bộ sách có tính kiến tạo, khơi một luồng gió mới cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ đổi mới, đồng thời định hình một phong cách rất riêng của Nguyễn Nhật Ánh. Nói cách khác, trên con đường văn chương của Nguyễn Nhật Ánh, ông có thể bỏ lại gì chứ không thể bỏ lại “Kính vạn hoa”!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vân tay Nguyễn Nhật Ánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO