Tôi biết đến nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát do những ngày ở nhà tránh dịch. Covid-19 ập đến, rồi kéo dài đến tận hôm nay. Gần 2 năm hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc nhưng lại gia tăng thời gian lướt mạng. Và trong một lần lướt mạng đọc đủ các loạt thông tin, xem đủ các loại hình ảnh, tôi gặp facebook của Nguyễn Tấn Phát.
1. Gặp để rồi “đứng hình” rất lâu trước các bức ảnh chụp những con trâu gỗ do anh làm ra, đủ hình dáng, đủ màu sắc. Qua những lượt tương tác, biết anh ở mạn Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), có xưởng làm hẳn hoi. Cũng qua mạng xã hội mà biết anh có dạo được báo chí, truyền hình săn đón. Cũng vì loạt trâu đón năm Sửu dịp tết vừa rồi.
Khi đó anh chia sẻ dự án làm “đàn trâu” 1010 con, để chuẩn bị cho triển lãm vào đầu tháng 5 vừa qua. Mọi ý tưởng, suy nghĩ, công sức được anh dồn tụ lại suốt mấy tháng sau tết, các công đoạn chuẩn bị triển lãm đã hoàn tất, giấy mời cũng đã được chuẩn bị, thế nhưng thình lình làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến. Phải hoãn. Phải dừng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
“Dù đầu tư rất nhiều tâm lực và tài lực vào triển lãm này nhưng tôi cũng vui vẻ dừng ngay, đợi qua đợt dịch này sẽ trưng bày để thết đãi công chúng cùng thưởng lãm đàn trâu nghệ thuật của mình”, Phát nói.
Nhớ lại khi Covid-19 xuất hiện, Phát nói đó là một sự bất ngờ và đôi khi có chút lo lắng. Tâm lý mọi người bị xao động nhiều và điều đó cũng khiến cho thị trường nghệ thuật trầm lắng hơn.
2. Nguyễn Tấn Phát thuộc thế hệ nghệ nhân 8X. Nhưng thay vì lựa chọn sống ở đô thị lớn để thuận lợi và dễ tiếp cận khách hàng hơn, anh lựa chọn sống ở làng.
- Tôi đã đi nhiều nơi, làm việc nhiều chỗ nhưng khi sống ở Sơn Tây tôi thấy mới thực sự an nhiên là chính mình, như là một đứa trẻ được về nhà.
Tấn Phát cười và nói thêm: Với tôi, sống ở làng không chỉ là để hít thở và cảm nhận cái thôn dã mang nhiều nét Việt, mà trong tôi luôn đau đáu một điều phải dùng khả năng và nghệ thuật dân tộc để duy trì, phát triển và quảng bá văn hóa quê hương của mình.
Đường Lâm nói riêng, Sơn Tây nói chung là những không gian văn hóa, là điểm đến du lịch. Hẳn nó cũng có những mặt lợi cho một người như Phát, muốn làm những tác phẩm - sản phẩm gắn với đồng quê, gắn với du lịch? - tôi đặt vấn đề.
Nguyễn Tấn Phát thẳng thắn:
- Thực ra không riêng gì Đường Lâm, hay rộng ra là xứ Đoài, nước ta còn rất nhiều không gian văn hóa lớn, rất nhiều tài nguyên còn ẩn giấu dưới lớp bụi thời gian cần bàn tay và trí sáng tạo của các nghệ sĩ khai phá. Tôi may mắn được sinh ra trên một vùng đất giàu văn hóa lịch sử, một trong tứ trấn Thăng Long, vừa là một lợi thế nhưng cũng lại là thách thức... Sáng tạo, phát triển làm sao để không dẫm vào chân những người đi trước. Trong nghệ thuật đó là điều cốt lõi.
Lại hỏi: Giữa rất nhiều hình tượng, biểu tượng gắn bó với làng Việt, vì sao anh lựa chọn con trâu?
Nghệ nhân sinh năm 1983 này cười:
- Tôi dành tình cảm rất nhiều cho trâu vì đó là một hình tượng thân thuộc từ khi tôi còn bé. Sự đa năng và phẩm chất của con trâu khiến tôi luôn coi trâu là linh vật của người Việt... Tôi yêu làng, yêu trâu. Với khả năng của mình tôi đã sáng tạo ra rất nhiều bức tượng trâu từ chất liệu gỗ kết hợp chất liệu sơn mài...
3. Tôi lật lại album ảnh mà Tấn Phát đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân và gặp hình ảnh những sản phẩm - tác phẩm trâu của anh đặt trên đá ong, trước đình làng, bên hiên nhà, cạnh đống rơm… Những con trâu gỗ mít được làm qua nhiều công đoạn sơn mài truyền thống với nhiều cách phối màu trở nên thân mật hơn, sống động hơn khi giao hòa trong những không gian ấy.
Lựa chọn làm đàn trâu 1010 con đề trưng bày tại chính làng cổ Đường Lâm, hẳn phải là cơ duyên hay ý định nào đau đáu? - tôi lại hỏi.
Tấn Phát trả lời ngay: Là một cái duyên. Cùng năm trước tôi được giải cao nhất về làm trâu trong cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam, nhưng tâm huyết của tôi đã đau đáu từ rất lâu là bằng nghệ thuật của mình có thể quảng bá làng cổ Đường Lâm nhiều hơn đến mọi người. Tôi muốn mang nghệ thuật đương đại đến kết hợp với không gian văn hóa thuần Việt, và may là, việc làm đó của tôi được mọi người đồng cảm, ủng hộ.
Hình tượng con trâu đã nhiều người khai thác, có thể vì nó thân quen thân thuộc, cũng có thể hình khối của con trâu có góc cạnh, mang ngôn ngữ điêu khắc. Nhưng tạo tạc hơn 1000 tượng trâu bằng gỗ mít cũng không dễ dàng gì nhất là phải nghĩ ra những chi tiết khác biệt để “gọi tên cho không lẫn”. Tôi đem băn khoăn hỏi thẳng: Liệu có lặp?
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thừa nhận: Đó là một thử thách với tôi nhưng đồng thời cũng là một sự tri ân của tôi với nghề. Giữa một thời đại công nghiệp hóa, khi mà các làng nghề truyền thống người ta đổ khuôn để ra lò hàng loạt sản phẩm giống nhau thì tôi không muốn đi theo hướng đó. Con đường tôi theo không phải là kinh tế mà là nghệ thuật, một công việc có ý nghĩa để tôi có thể tôn vinh sức sáng tạo, gìn giữ nhiều hơn yếu tố thủ công đang dần mai một. Tôi không sợ sự lặp lại, vì từ tạo dáng lớn cho đến chi tiết nhỏ của tác phẩm đều do tự tay tôi làm. Vì tôi muốn bức tượng có hồn hơn. 1010 tượng trâu là 1010 mẫu khác nhau.
Xem ra anh rất khỏe? - tôi trêu.
Tấn Phát cười: Bạn bè tôi vẫn trêu đùa tôi là một con trâu!
4. Góp phần làm nên sự độc đáo của những tác phẩm do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo còn có sự đóng góp của chất liệu sơn mài truyền thống. Sơn mài Việt Nam từ lâu đã được nhiều họa sĩ danh tiếng và nhiều nghệ nhân khai thác. Tấn Phát thừa nhận, sơn mài truyền thống của nước ta là một báu vật cần được gìn giữ. Tuy vậy, trong suy nghĩ của một nghệ nhân 8X như anh, “nếu không biết phát huy và tạo ra nhiều giá trị đi kèm thì thực sự là chưa mài sáng hết ngọc”.
Vì thế, anh mải miết làm, không tiếc thời gian. Tận dụng vỏ trứng, vỏ trai để khảm, trang trí lên những bề mặt lồi lõm của mỗi dáng trâu. Xem đàn trâu nghệ thuật của anh, thấy có dấu vân tay của sự sáng tạo. Sự rập khuôn lâu nay vốn gắn với nhiều nghệ nhân, thì nay, Tấn Phát đang cố vượt qua và để lại dấu ấn của họa sĩ sáng tạo.
Anh thừa nhận: Ứng dụng nhiều trên tượng và các sản phẩm ứng dụng đã tạo được cho tôi một con đường riêng và rộng rãi hơn rất nhiều. Trên bề mặt không đồng đều làm sơn và trang trí quả thực có khó khăn hơn trên mặt phẳng, song có thành công nào mà không chông gai.
Chấp nhận chông gai, chấp nhận thử thách, nhưng Tấn Phát lại có niềm vui vì đầu ra cho tác phẩm rất khả quan. “Không những giá thành không cao mà người dùng còn bất ngờ vì giá thành hợp lý”, Phát cười, và cho biết điều này có được là do tôi tối ưu hóa được quá trình làm, vật liệu hay và quan trọng nhất kèm với tư duy làm nghệ thuật không phải để giàu có chỉ cần đủ để duy trì sáng tạo.
Sau khi làm xong đàn trâu nghệ thuật 1010 con, anh sẽ tiếp tục với…?
- Tôi xin phép được giữ kín đến dịp cuối năm. Nhưng có thể chắc chắc một điều: vẫn sẽ là những tác phẩm mang đậm văn hóa Việt và tôn vinh giá trị sáng tạo, được làm để tri ân đất Việt.
Tấn Phát lại cười, và lúi húi lau đàn trâu nghệ thuật của mình đợi qua mùa dịch ra mắt công chúng…
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983 tại Sơn Tây. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 và 2019; Giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam với tác phẩm “Trâu hoa làng Việt” năm 2020. Năm 2017, Nguyễn Tấn Phát trở thành một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh tại Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.