Trước khi ra biển, sông Hồng chảy xuôi phía đông nam thành Thăng Long, bồi tụ linh khí của đất trời, tinh túy của nhật nguyệt, ban tặng cho vùng đất trấn Sơn Nam một địa danh, một thương cảng vào loại sầm uất đông vui, thành một câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc, hình thành từ thế kỷ 13, phố Hiến xưa còn gọi là Hiến Nam. Mảnh đất ấy là linh hồn, là trái tim của trấn Sơn Nam, sau này là Hưng Yên, một tỉnh đồng bằng trù phú, hưng thịnh mà yên ổn...
Văn bia chùa Thiên Ứng dựng năm 1625 đã ghi” Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương, là một tiểu Tràng An”- tức kinh đô thu nhỏ.
Thời Tiền Lê, đây là thực ấp của Lý Công Uẩn. 300 năm sau, kiều dân Trung Hoa đã kéo sang, sinh cơ lập nghiệp. Họ mở rộng nghề buôn bán, trao đổi và đóng góp phần lớn vào quá trình phát triển của phố Hiến từ buổi nguyên sơ, đến bây giờ ở thành phố Hưng Yên vẫn còn nhiều dấu tích... Nhưng, tới đầu thế kỷ 17 phố Hiến mới thực sự trở thành trung tâm kinh tế chính trị, giao lưu quốc tế, vào thời hưng thịnh.
Thời ấy, phố Hiến sống động trên bến dưới thuyền, thu hút những bàn tay thợ tinh xảo, từ các làng nghề thủ công khắp nơi về đây, tạo nên phường phố. Những cửa hàng vàng bạc, đồng, hàng may dệt, hàng dược liệu, tiệm thuốc bắc… làm cho mảnh đất bên sông Hồng thành sầm uất, thành trung tâm mậu dịch lớn nhất ở Đàng Ngoài, thành câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Là cửa ngõ án ngữ hoặc thông thương cho các tàu bè đi các tuyến sông về Thăng Long, và đi khắp các miền quê... phố Hiến không những là trấn phủ của Sơn Nam, mà còn nổi tiếng đô thị kinh tế. Người xưa nói: Nhất cận thị, nhị cận giang (nhất là ở gần chợ, thứ hai là ở gần sông). Ở đây được cả hai: Trên bến cảng, dưới tầu thuyền, lại có phố phường và thương điếm của người ngoại quốc.
Phố Hiến nhanh chóng hình thành trạm kiểm soát tàu ngoại quốc trước khi được phép vào kinh thành Thăng Long. Phố Hiến giàu và đẹp. Đây còn là đất văn hiến, cùng với những kho tàng truyền thuyết dân gian, đậm nét phương Đông…
Văn miếu Xích Đằng, là niềm tự hào, một biểu tượng rực rỡ của trí thức và hiền tài Phố Hiến - Hưng Yên. Gần 10 thế kỷ, từ khoa thi đầu tiên do nhà Lý tổ chức năm 1075, đến khoa thi cuối cùng triều Nguyễn 1919, Văn Miếu Xích Đằng còn ghi được 228 vị đỗ đại khoa.
Vùng đất có linh khí sông nước, nền văn minh Thăng Long đã sinh ra nhiều danh nhân đất Việt: Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, vốn là người con gái hái dâu được vua Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến đưa về cung ngọc, từng hai lần nhiếp chính, thay chồng, thay con quản lý triều đình...
Là Phạm Ngũ Lão - một danh tướng đời Trần, là Hải Thượng lãn ông - Lê Hữu Trác một danh y trác tuyệt thời Lê - Trịnh... Mảnh đất ấy trở thành nơi trung tâm văn hoá, tín ngưỡng dân gian, với hàng trăm di tích lịch sử văn hóa có giá trị: Đền Mây ở Xích Đằng, thờ tướng quân Phạm Phòng Át; đền Ngọc Thanh thờ người vợ thứ của vua Lê Đại Hành; đền Tống Trân - Cúc Hoa với câu chuyện về đạo vợ chồng son sắt; đền Đa Hòa, gắn liền với thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong tứ bất tử trong thế giới tâm linh của nhân gian.
Sông Hồng là ân nhân của con người, từ thuở nguyên sơ. Sông cho con người những thủy sản như tôm, cá làm thức ăn sinh sống. Sông cho phù sa, nước ngọt để bốn mùa trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ. Những tấm lụa, chiếc khăn mong manh, lại bền đẹp mang vẻ tao nhã của dân tộc, thành mặt hàng giao thương, khiến cho người ngoại quốc phải thán phục...
Linh khí trời đất núi sông và sự cần cù lao động con người đã tạo thành những sản vật tinh hoa, không phải miền quê nào cũng có. Vị ngọt thơm của nhãn lồng phố Hiến từng được gọi là nhãn tiến- tiến vua... đã đi vào sử sách, lại càng làm cho tên tuổi phố Hiến - Hưng Yên in đậm trong lòng người dân đất Việt đang xa xứ quê người. Chắt lọc từ đất bồi, và dòng nước ngọt, ở vùng quê này hàng bao đời nay đang tồn tại và phát triển một loài thực vật, tuy dáng mỏng manh mà phẩm tiết cao sang: Sen Hưng Yên - Phố Hiến.
Bắt nguồn từ linh khí vùng sông nước, từ xa xưa đã sớm hình thành những làng mạc trù phú, là nơi cất giữ những di sản văn hóa, dân ca, dân vũ, tiếng trống chèo, hát trống quân say đắm lòng người, kết đọng lại tinh hoa dân tộc, và truyền thống anh hùng. Làng Nôm thuộc đất Văn Lâm, cách phố Hiến không xa, là một làng cổ đặc sắc. “Đồng nát thì về Cầu Nôm”.
Từ mấy thế kỷ trước, làng Nôm đã nổi tiếng nghề đúc đồng. Người thợ dân gian đi khắp thôn cùng ngõ vắng, hàn nồi cũ, thu mua đồng nát, làm nguyên liệu, để tái sản xuất ra sản phẩm mới. Hóa ra từ rất xưa người dân quê đã có ý thức tiết kiệm, để mưu sinh, và để lại cho đời sau bài học về lẽ sống: Tiết kiệm là quốc sách.
Cũng là theo lẽ thịnh suy, phố Hiến từ sau thế kỷ 19 bị lu mờ. Kể từ khi kinh đô nước Việt chuyển vào Huế, những thương nhân người Hoa và bản xứ chuyển vào Thăng Long - Hà Nội để tiện bề mưu sinh, rồi nhiều năm đê Mạn Trù bị vỡ, kéo theo những cảnh đói nghèo của dân chúng quanh vùng. Chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và chúa Trịnh đã làm cho mảnh đất hoang tàn, mất đi vai trò kinh tế.
Cuối cùng, vào năm 1804, vua Gia Long đã chuẩn phê di dời trấn lỵ Sơn Nam từ phố Hiến về Châu Cầu, Phủ Lý, phố Hiến càng mờ nhạt trong quên lãng...
Đất có tuần, người có vận, năm 1831 tỉnh Hưng Yên thành lập. Phố Hiến tuy là thủ phủ, nhưng nó chỉ còn là mảnh đất giữ vai trò quân sự, thành trì hơn là mảnh đất thương mại sầm uất đông vui. Trong chiều thẳm sâu của lịch sử, Phố Hiến, Hưng Yên từng có thời kỳ chìm vào yên lặng. Những vết thời gian nhạt nhòa, phủ lên làm lu mờ nét vàng son…
Sau hơn 100 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, rồi trải qua những lần sáp nhập với Hải Dương (năm 1968), rồi tái lập tỉnh (năm 1997), phố Hiến bây giờ mang tên mới: thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên, đang chuyển mình phơi phới đi lên.
Với quỹ đất gần 7.400 ha, thành phố Hưng Yên đã và đang xây dựng nhiều dự án mới một cách toàn diện, thể hiện khát vọng, tầm nhìn xa trong xu thế hội nhập. Nhiều dự án mang tính động lực, tạo bước đột phá cho thành phố phát triển đi lên vững bền. Người thành phố quyết tâm hoàn thành một số tiêu chí còn lại, để có thể đạt danh hiệu “Đô thị loại II“ trong tương lai gần.
Hành trang của họ là một nền tảng văn hóa, với truyền thống hiếu học khoa bảng của Văn miếu Xích Đằng. Truyền thống thuỷ chung son sắt nghĩa nhân của mối tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, của vị ngọt thơm nhãn lồng, của mứt sen tẩm mật... từ vẻ đẹp của tấm lụa tơ tằm mỏng manh, bền dai, óng ả.
Và, từ nghĩa khí của nhiều thế hệ anh hùng, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà cách mạng Tô Hiệu… trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước... Sức sống mãnh liệt của mảnh đất này, được hun đúc từ ngọn nguồn văn hóa, một nền văn hóa sông nước, chung đúc từ nền văn hoá Thăng Long.
Thời ấy, phố Hiến sống động trên bến dưới thuyền, thu hút những bàn tay thợ tinh xảo, từ các làng nghề thủ công khắp nơi về đây , tạo nên phường phố. Những cửa hàng vàng bạc, đồng, hàng may dệt, hàng dược liệu, tiệm thuốc bắc… làm cho mảnh đất bên sông Hồng thành sầm uất, thành trung tâm mậu dịch lớn nhất ở Đàng Ngoài, thành câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.
Là cửa ngõ án ngữ hoặc thông thương cho các tàu bè đi các tuyến sông về Thăng Long , và đi khắp các miền quê... phố Hiến không những là trấn phủ của Sơn Nam, mà còn nổi tiếng đô thị kinh tế. Người xưa nói: Nhất cận thị, nhị cận giang( nhất là ở gần chợ, thứ hai là ở gần sông). Ở đây được cả hai: Trên bến cảng, dưới tầu thuyền, lại có phố phường và thương điếm của người ngoại quốc.
Phố Hiến nhanh chóng hình thành trạm kiểm soát tàu ngoại quốc trước khi được phép vào kinh thành Thăng Long. Phố Hiến giàu và đẹp. Đây còn là đất văn hiến, cùng với những kho tàng truyền thuyết dân gian, đậm nét phương Đông…