Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa là tỉnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các hiện tượng như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết ngày càng cực đoan, gây thiệt hại cho sinh kế và đời sống của người dân vùng ven biển. Ảnh: Đình Minh Để ứng phó với thực trạng trên, nhiều năm qua, Thanh Hóa đã triển khai các chương trình, dự án, phối hợp với tổ chức phi chính phủ đầu tư trồng hàng trăm hecta rừng ngập mặn, giúp phục hồi môi trường biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế xói lở bờ biển mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng ngàn cư dân. Ảnh: Đình Minh Hệ thống rừng ngập mặn được trồng đa dạng với các loại cây như sú, vẹt, bần chua. Dưới ánh nắng chói chang, rừng ngập mặn phủ một màu xanh mướt, như lá chắn xanh ôm trọn làng biển nơi đây. Ảnh: Đình Minh Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, toàn tỉnh này có gần 900 ha rừng ngập mặn, nằm chủ yếu tại 3 huyện: Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Nga Sơn. Ảnh: Đình Minh Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc cho biết: Hiện tại, toàn huyện có hơn 600 ha rừng ngập mặn, trong đó, có hơn 370 ha là rừng có từ trước năm 2021 do huyện quản lý, 230 ha là rừng trồng mới, thuộc các dự án của UBND tỉnh và các tổ chức phi Chính phủ thực hiện nhưng chưa bàn giao cho địa phương. 'Các dự án trồng rừng ngập mặn có thời gian theo dõi từ 3 - 4 năm, khi nào cây chắc khỏe, sống sót và phát triển tốt thì khi đó địa phương mới được nhận bàn giao để quản lý. Hiện tại, huyện có 3 xã có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất nhất là Đa Lộc, Hải Lộc và Minh Lộc. Những tán rừng này không chỉ là 'lá chắn' bảo vệ làng mạc trước gió bão mà nó còn mang lại sinh kế đáng kể cho người dân trong huyện', ông Toản nói. Ảnh: Đình Minh Bà Vũ Thị Hà (trú xã Đa Lộc) cho biết: Sau vụ lúa xuân hè, bà tranh thủ thời gian đi bắt con cá, con cáy, con cua... dưới cánh rừng để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Đình Minh 'Công việc bắt đầu từ 5h sáng, làm đến khoản 9 - 10h thì nghỉ. Như hôm nay, tôi bắt được 5kg cáy, bán cho thương lái với giá 40.000đ/kg, thu về 200.000đ. Với người nông dân, đây là số tiền lớn, rất quý', bà Hà nói. Ảnh: Đình Minh Người dân xã Đa Lộc săn cá còi - một loại cá đặc sản ở vùng biển huyện Hậu Lộc. Ảnh: Đình Minh 'Lộc trời' dưới những tán rừng ngập mặn. Ảnh: Đình Minh Nụ cười của người dân ven biển xứ Thanh sau nửa ngày mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Đình Minh