Đối tượng vay nóng chủ yếu là người lao động thu nhập thấp, cần gấp một khoản tiền nhất định, có thể không lớn lắm. Với lãi suất khoảng 3%/tháng, tưởng rằng không phải đang vay tín dụng đen, nhưng rồi lãi mẹ đẻ lãi con sẽ đẩy người lao động vào tình thế túng quẫn.
Bẫy “vay nóng”
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc làm ít, thu nhập thực tế giảm, cuộc sống của một bộ phận người lao động trở nên khó khăn. Đặc biệt, hầu hết trong số họ không có tích lũy, do vậy phải vay nóng để giải quyết trước mắt mà không nhiều người biết rằng sau đó là những ngày tháng bế tắc, trượt dài trong nợ nần.
Một nữ công nhân ở quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, chồng chị không may mắc bệnh ung thư, phải chạy chữa thời gian dài, bao nhiêu tiền của tích lũy của gia đình đều cạn kiệt. Chị phải chạy vạy khắp nơi để vay 70 triệu đồng giúp chồng trị bệnh nhưng anh vẫn không thể cầm cự được và ra đi. Đau đớn, chị vẫn buộc phải đối mặt với hiện thực phũ phàng là một mình phải gánh vác gia đình cùng khoản nợ 70 triệu đồng với lãi suất cao.
Khoản nợ này, chị vay nóng từ 3 người khác nhau với mức lãi suất từ 5-10%/tháng. Mỗi tháng chị phải trả khoảng 3,5 triệu đồng tiền lãi trong khi mức thu nhập của chị chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Để có tiền lo cho con, ban ngày chị làm việc tại công ty, tối về phục vụ quán ăn đến 2 giờ sáng. Mỗi ngày chỉ ngủ hơn 2 tiếng đồng hồ.
"Một năm qua, tôi đã trả hơn 30 triệu đồng tiền lãi nhưng khoản nợ không giảm chút nào. Chủ nợ đến tận nhà đòi, tôi phải vay đầu này đắp đầu kia. Tôi cũng không biết làm sao để thoát ra được nên lúc nào cũng sống trong lo lắng, bế tắc" - chị tâm sự.
Một trường hợp khác, coi như đã “may mắn” khi vay nóng được 30 triệu đồng lo cho mẹ nằm viện, với lãi suất 3%/tháng (900.000 đồng/ngày). Tuy nhiên, “con nợ” đã phải làm việc quần quật cả ngày đêm nhưng vẫn không thể nào gánh nổi khoản lãi hàng ngày chưa nói đến tiền ăn uống hàng ngày, tiền học cho các con.
Tới nay, số nợ đã tăng lên 40 triệu đồng, tiền lãi cũng tăng lên 1,2 triệu đồng/ngày, trong khi thu nhập cứng của tôi chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/ngày, khiến chị bế tắc, ám ảnh nợ nần.
Đó cũng chỉ là một hai trường hợp người lao động phải giải quyết khó khăn trước mắt, đã phải vay nóng. Tưởng như với mức trả lãi 3%-5%/ngày có thể chịu đựng được, mà họ thật cũng khó tính ra rằng nếu tính gộp chỉ 1 tháng thì số tiền lãi đã phải trả gấp tới 30 lần.
Tín dụng đen bủa vây công nhân khu công nghiệp
Vay nóng, bản chất cũng là tín dụng đen, vì theo quy định, mức vay lãi hợp pháp tối đa hiện hành là 20%/năm. Trong khi, ví dụ, nếu vay nóng với lãi suất 3%/ngày, cộng dồn cả năm 365 ngày không trả sẽ ở khoảng 1.000%.
Thật đáng lo ngại là hiện các tổ chức, cá nhân cho vay nóng luôn nhắm tới các khu công nghiệp với những lời hoa mỹ, khẳng định không lừa đảo, không gọi điện người thân. Nhưng khi công nhân rơi vào bẫy nợ lập tức bị dồn đến bước đường cùng.
Tại khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), các nhóm cho vay nóng hoạt động rất dữ dội, với hình thức nhắn qua Zalo, cách rao đầy hấp dẫn: "Hỗ trợ vay nhanh. Khoản vay từ 20-300 triệu, lãi suất 0,8-1,8%/tháng. Thủ tục đơn giản, xử lý nhanh chóng. Lãi suất thấp, bảo mật 100%. Vay rồi có thể vay thêm nữa". Kèm theo đó là bảng thông tin vay tiền, số tiền vay, số lãi tính theo 12, 24, 36, 48 tháng.
Mà cũng không chỉ tại khu công nghiệp Quang Châu, các khu công nghiệp khác cũng ở tỉnh Bắc Giang như Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng; hay Yên Phong, Quế Võ, VSIP (tỉnh Bắc Ninh); Đại An, Phú Điền, Tân Trường (tỉnh Hải Dương); Bắc Thăng Long (Hà Nội) đều có tình trạng đăng tin cho vay nhanh, vay nóng tương tự.
Thủ tục vay lại quá dễ dàng: Chỉ cần bảng lương công ty phát hàng tháng, chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà trọ. Nhưng ngay sau vay là nợ chồng lên nợ, khoản tiền vay nóng đã thành cả cục nợ, tưởng sẽ trả được trong vài tháng nhưng rồi có khi vài năm chưa thoát khỏi nợ.
Một công nhân ở khu công nghiệp Yên Phong cho biết, năm 2017, một công ty chuyên cho vay cấp cho anh một thẻ tín dụng, hướng dẫn anh sử dụng thẻ này để mua sắm, thanh toán sau theo đúng quy định, trong vòng 45 ngày không phát sinh lãi. Thời gian sau, nhân viên công ty này tư vấn anh Hoàn rút tiền mặt với lãi suất ưu đãi và trả góp hàng tháng. Anh đã rút khoảng 35 triệu đồng trong thẻ để chi tiêu, hàng tháng thanh toán đều đặn cho công ty từ 2-2,5 triệu đồng theo tin nhắn thông báo của công ty. Suốt gần 3 năm sau đó, anh đã đóng cho công ty khoảng 60 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, dù vậy, anh vẫn nhận thông báo dư nợ còn khoảng 20 triệu đồng.
Khi chưa thu hồi hết nợ của người vay, đối tượng cho vay nóng không từ cách nào để truy bức, kể cả gọi điện cho cán bộ công đoàn, trưởng phòng nhân sự của công ty nơi người lao động làm việc.
Vay nóng - thực chất là tín dụng đen, đang bủa vây công nhân khu công nghiệp. Người lao động đang rất cần sự trợ giúp thiết thực của doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn, đặc biệt là trong việc cho vay với lãi suất thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Huy - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, thì trong cuộc chiến này phía bất lương tận dụng công nghệ để mồi chài người lao động vay nóng. Giúp công nhân không sập bẫy nợ phải có sự đồng hành của ngân hàng, công ty tài chính lương thiện, công an và cả những tổ chức hội đoàn vốn bình thường rất hay xuất hiện trong các sự kiện hiếu hỉ của công ty.