Văn hóa

Về nơi “tổ nghiệp” của ngành khai thác than Việt Nam

Xuân Quảng 24/01/2024 15:16

Di tích lịch sử Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (thường gọi là miếu Mỏ) tại núi Yên Lãng, khu Trại Hà, phường Yên Thọ, TX Đông Triều, Quảng Ninh là nơi được coi là “tổ nghiệp” ngành than Việt Nam.

Ngày 8/8/2007, tại Cố đô Huế, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế đã bàn giao cho lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) bức Dụ của Vua Minh Mạng được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Bức Dụ ngày 10/1/1840 (tức ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20) được dịch ra có nội dung: Tháng này, Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật tâu xin thuê dân công đào mỏ lấy than ở núi An Lãnh, xã Đông Triều, thuộc hạt đó. Trước đây Bộ (Hộ) đã tư cho hạt đó đào lấy 10 vạn cân than đúng kỳ chở về kinh đô giao nạp. Trẫm nghĩ nhân dân hạt đó vừa mới lại được hơi an ổn, sao nỡ đem việc không gấp gáp mà làm họ vất vả. Bọn Bật lại tâu hạt đó sau biến cố, vụ mùa vừa mất, thu hoạch kém, đời sống rất khó khăn, dân đều tình nguyện làm thuê để lấy tiền nuôi thân. Nay nghĩ dân trong hạt phần lớn nghèo hèn, đáng thương xót chu cấp. Lệnh chuẩn theo lời cầu xin. Các ngươi nên thận trọng, chớ sơ suất để an uý lòng Trẫm muốn ra ân cho dân. Khâm thử.

z5086758178270_0207c866ddf2d79455bedf4c5518f717.jpg
Đài Hoàng Đế chỉ lệnh tại khu vực đền Hạ khắc bức Dụ ngày 10/1/1840 của Vua Minh Mạng

Sau này, lãnh đạo TKV đã thống nhất lấy ngày Vua ban chỉ dụ (10/1/1840) là ngày lịch sử của ngành và cho triển khai xây dựng dự án trùng tu di tích miếu Mỏ ở Yên Thọ, xúc tiến việc làm hồ sơ xếp hạng di tích.

Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng là di tích cấp tỉnh. Năm 2009, TKV tiến hành dự án bảo quản, tu bổ khu di tích, xây dựng công trình Thạch trụ yểm sơn, mở đầu cho công việc tôn tạo di tích.

z5086758207466_f3296ca4db28bc856edd4438e78c9576.jpg
Du khách đến thăm đền Thượng và dâng hương tưởng nhớ ông Tổ ngành than trong những ngày đầu năm mới.

Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ (nay là phường Yên Thọ), có diện tích nghiên cứu quy hoạch 87,75ha, diện tích vùng bảo vệ di tích 41,2ha.

Trong giai đoạn 1 đến năm 2019, TKV đã hoàn thành xây dựng đền Thượng và Nhà bia tưởng niệm thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than, tháp Thạch trụ yểm sơn, đài Hoàng Đế chỉ lệnh tại khu vực đền Hạ, tuyến đường từ tháp Thạch trụ yểm sơn vào đền Thượng và tu bổ nâng cấp một số hạng mục di tích miếu Bãi Tràng Tiền...

Để triển khai dự án phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của thị xã Đông Triều, năm 2022, TKV đã xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án tôn tạo và phát huy Khu di tích để tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 từ 2021 - 2023.

Theo đó, TKV điều chỉnh diện tích quy hoạch từ 87,75ha xuống còn 48,41ha, diện tích vùng bảo vệ di tích từ 41,2ha xuống còn 23,19ha. Kế hoạch của TKV giai đoạn 2023 - 2026 tiếp tục triển khai xây dựng cổng vào khu di tích, đường giao thông, bãi đỗ xe, hạ tầng điện chiếu sáng, cấp thoát nước, tu bổ tôn tạo đền Hạ, nhà trưng bày và khu đón tiếp tại khu đền Hạ, cảnh quan sân vườn, hạ tầng giao thông, cảnh quan đền Thượng, tu bổ tôn tạo gò Thạch trụ yểm sơn…

Ghi dấu lịch sử người tổ chức khai thác than đầu tiên của Việt Nam, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặt tên một tuyến phố của phường Yên Thọ mang tên phố Tôn Thất Bật.

z5086758274043_f7aeb58f438043b589d5baaa291880d4.jpg
Tuyến đường 700m đi vào Khu di tích hiện đã xuống cấp, dẫn đến khó khăn khi tham gia giao thông.

Hiện tuyến đường từ QL 18A đi vào Khu di tích dài gần 3km đã được đầu tư đường bê tông, thuận lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, đoạn đường dài 700m từ QL18A vào đến Xí nghiệp Địa chất Đông Triều được đầu tư từ năm 2003, năm 2015 được sửa chữa lại nhưng đến nay đã xuống cấp, dẫn đến khó khăn khi tham gia giao thông. Đây cũng là tuyến đường dân sinh để nhân dân đến Nhà văn hóa khu Trại Hà. Được biết, TKV cũng đã có chủ trương nâng cấp đoạn đường này nằm trong dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích. Thế nhưng vài năm qua chưa thấy triển khai.

Bà Đoàn Thị Huyền, Trưởng khu Trại Hà cho biết, trong khu có 10 tổ dân thì có đến 6 tổ dân là các hộ dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường này. Chúng tôi mong ngành than sớm nâng cấp tuyến đường này nhằm tháo gỡ nỗi lo mất an toàn giao thông trên tuyến đường…

Nguyện vọng của nhân dân địa phương, du khách mong muốn TKV sớm cải tạo, nâng cấp tuyến đường này, xây dựng thành tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” để nhân dân đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về nơi “tổ nghiệp” của ngành khai thác than Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO