Đã từ lâu đời, mỗi khi Tết đến xuân về, người dân làng Xuân Kiều (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) lại tổ chức lễ hội vật truyền thống đầu xuân.
Các đô vật thử sức tại sới vật đầu xuân ở làng Xuân Kiều, xã Quảng Xuân.
Lễ hội vật làng Xuân Kiều là hoạt động văn hóa truyền thống, đề cao tinh thần thượng võ, diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng thu hút đông đảo người dân ở vùng bắc sông Gianh đến tham gia và xem hội.
Làng Xuân Kiều có địa thế kim long, quần tụ trên dải cát vàng, nơi hội tụ sinh khí thịnh vượng.
Đây là vùng đất mà những tướng lĩnh thời Lê, Trịnh chọn làm nơi lập ấp, bởi "Bố Chính đất rộng dân thưa, liền với châu Hoan, quân và dân đến đó khẩn hoang sẽ có lợi lớn".
Nơi đây, hàng năm diễn ra tế lễ, hội hè, trò chơi dân gian với hội cướp cù, đấu côn, bài chòi...
Đặc biệt hội vật đầu xuân đã nổi tiếng khắp vùng. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi lại "Dân xã Đại Đan, Tiểu Đan giỏi nghề đánh vật".
Khán giả đến xem và cổ vũ cho các đô vật.
Sau 3 ngày Tết cúng tổ tiên, người làng Xuân Kiều bắt đầu mở hội vật vào ngày mồng 4 cho đến hết ngày mùng 6 tết.
Hội vật làng Xuân Kiều nhằm cầu mong cho dân làng khỏe mạnh, trời yên biển lặng, mùa màng cây cối tươi tốt; đồng thời cũng là hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân xã Quảng Xuân trong dịp đầu xuân năm mới.
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến ngày mồng 4 Tết, khi tiếng trống hội lại rộn rã vang lên cũng là lúc hội vật làng Xuân Kiều được tổ chức.
Hội vật thu hút đông đảo anh tài khắp cả vùng bắc sông Gianh đến tham dự. Trai tráng ở các làng Lương Trình, Tượng Sơn, Chính Trực, Nghĩa Nương, Phan Long... đều đến thi tài. Có lẽ do đông đô vật nên làng Xuân Kiều tổ chức vật trong 3 ngày liên tiếp.
Năm mới này bước sang tuổi 85, là người tâm huyết với hội vật của làng, ông Phạm Nâng biết rõ cách thức tổ chức lễ hội vật. Theo đó, lễ khai hội được tổ chức trang nghiêm nơi đình làng.
Sáng sớm ngày xuân, bên hương án tỏa mùi trầm tỏa hương ngào ngạt khắp vùng, ông trưởng làng trong trang phục áo dài khăn xếp thành kính kính báo với thần linh xin được tổ chức hội vật, đồng thời đánh 3 hồi trống khai hội.
Bên cạnh đình làng là sới vật bằng cát, hình tròn được vun cao, bằng phẳng. Xung quanh xới vật được trang trí cờ ngũ sắc. Người xem đứng ngồi chen chân vòng trong vòng ngoài, háo hức chờ khai hội.
Ngay khi phần lễ vừa xong, cặp đô vật được làng chọn bước lên xới biểu diễn mấy đường võ để vừa chào bà con, vừa biểu dương sức mạnh, xong quay về hướng khán giả và trọng tài vái chào để thi đấu.
Đô vật ra thế.
Theo ông Phạm Nâng, các đô vật về tranh tài đều là những người biết võ nghệ nhưng thường dùng sức để vật. Còn đô vật người Xuân Kiều thì dùng mẹo, kỹ thuật nên luôn đánh ngã đối phương.
Ngày xưa, phần thưởng dành cho đô vật vô địch có khi chỉ là chiếc khăn điều nhưng đấy là một vinh hạnh, đón nhận sự tôn vinh của làng.
Ngày nay, hội vật làng Xuân Kiều thi đấu theo hình thức tự do. Các đô vật tự chọn đối thủ, không phân biệt lứa tuổi, hạng cân, địa phương. Bất kỳ người dân nào có thể đăng ký để lên sới đấu vật.
Để giành chiến thắng, các đô vật phải rèn luyện sức khỏe và các thế vật, đề cao tinh thần thượng võ, đánh bại đối thủ bằng đòn đánh hay khiến đối phương “lấm lưng, trắng bụng", tuyệt đối không được ra đòn nguy hiểm đến tính mạng đối phương.
Giữa tiết trời mùa xuân se lạnh, đô vật các đội ở làng Xuân Kiều trông thật vạm vỡ, khỏe mạnh. Khi ba hồi trống dài báo hiệu khai cuộc, hai đô vật bước lên sới vật với chiếc đai màu xanh đỏ để phân biệt.
Mọi người đứng, ngồi thành vòng tròn, háo hức đón xem những thế vật hay, khéo léo của các cặp đô vật.
Giằng co kịch liệt giữa hai đô vật.
Để chuẩn bị cho hội vật truyền thống đầu xuân, trước đó các đô vật được tuyển chọn từ các thôn để tham gia tranh tài nên không khí càng hấp dẫn khi các đô vật ghanh đua quyết liệt, ngang sức ngang tài.
Những năm gần đây, những cái tên đô vật của làng Xuân Kiều như Võ Ngọc Quý, Võ Công Định, Phạm Xuân Sao... luôn giành vị trí cao mỗi lần tham gia hội vật.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Xuân Sao (sinh năm 1987) cho biết: Mình được ông nội và bố truyền dạy kinh nghiệm nên có những mánh vật hay để đối phương sớm "lấm lưng trắng bụng", nhưng trên sới vật quan trọng nhất là phải kết hợp sức khỏe và kỹ năng khéo léo mới giành được chiến thắng.
Ông Võ Văn Thái, trưởng thôn Xuân Kiều cho biết: Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm mới, làng Xuân Kiều lại tổ chức hội thi đấu vật để cho các lứa tuổi thanh thiếu niên trong làng và các địa phương có truyền thống đấu vật tham gia. Năm 2017, hội vật làng Xuân Kiều thu hút gần 50 đôi vật đến từ xã Quảng Xuân, phường Quảng Thọ và phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) tham gia.
Hội vật truyền thống đầu xuân làng Xuân Kiều là hoạt động đề cao tinh thần thượng võ, khuyến khích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với thế hệ trẻ... Những ngày đầu xuân về làng Xuân Kiều xem hội vật mới thấy được sự đam mê thấm sâu vào máu ở từng con người nơi đây.