“Suốt 15 năm gắn bó với công tác Mặt trận, cái được nhiều nhất có lẽ là tình cảm. Phường rộng thế, đông dân là thế nhưng đi đến đâu bà con cũng biết mặt, biết tên, ai cũng ân cần mời mọc như những hàng xóm kề hồi, sát mái. Làm công tác Mặt trận nhiều vất vả nhưng được vui, được buồn và có đôi khi được chia sẻ cả những nỗi đau cùng người dân” - ông Ðỗ Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ðông Thọ, TP Thanh Hóa nói.
Đã hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Nhung vừa làm giám sát, kiêm luôn thợ phụ hồ cho chính căn nhà mái bằng đang vào giai đoạn hoàn thiện của mình tại mặt bằng tái định cư 6275, thuộc phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa. Trong căn nhà tôn rộng hơn 4m2 dựng tạm làm nơi trông coi vật liệu, anh Nhung vừa đưa tay quệt mồ hôi vừa bấm đốt tay nhẩm tính, vậy là đến nay cũng gần tròn 1 năm vợ chồng anh bán con thuyền cũ nát, “đoạn tuyệt” với dòng sông.
Anh kể: “Nghề chài lưới mưu sinh trên sông không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi đủ lớn để cầm đôi mái chèo mòn vẹt, tôi đã theo cha lênh đênh, trôi dạt từ khúc sông này qua khúc sông khác, theo đàn cá tìm kế sinh nhai. Như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa khác trong làng, tôi không biết chữ. 18 tuổi, tôi lập gia đình”.
Vợ anh là cô bé hàng xóm vẫn thi thoảng theo lên bờ đi chợ ở phố huyện. Vợ chồng trẻ được cho ra ở riêng, rồi lần lượt 3 đứa con nối nhau ra đời trên con thuyền mộc, hư ải, chắp vá.
“Con cái phải được lên bờ, phải được đi học chứ không thể như cha mẹ chúng. Nhưng lên bằng cách nào khi “tay làm, hàm nhai”, ráo mồ hôi là hết tiền!”- anh Nhung nhớ lại. Khi mơ ước lên bờ chưa thực hiện được thì bi kịch ập đến vào một ngày đầu tháng Chạp năm 2020. Bình thường, trước khi đi thả lưới ở khúc sông xa, vợ chồng anh vẫn buộc vào lưng đứa con trai út vừa tròn 2 tuổi của mình một sợi dây để neo giữ con trong khoang thuyền. Run rủi, hôm ấy nút buộc bị tuột, thằng bé đi men ra ngoài rồi trượt chân rơi thẳng xuống lòng sông cuộn sóng, trong khi thằng anh lên 6, đang mải miết với mớ đất nặn phía sau mạn thuyền…
Nỗi đau mất con càng khiến khát vọng lên bờ thôi thúc vợ chồng anh Nhung. Anh lặng lẽ bơi thuyền lên vùng thị trấn Hậu Hiền (huyện Thiệu Hóa), gửi 2 đứa con lớn cho người bà con xa đang sinh sống trên bờ và cho đi học, rồi quay thuyền về neo ở khúc sông Hạc, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, lấy lại thăng bằng sau biến cố. Ước mơ bỏ nghề sông nước với nhiều trắc ẩn để lên bờ chỉ trở thành hiện thực đối với gia đình anh Nhung khi những người làm công tác Mặt trận của phường đến tận thuyền, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ cho đồng bào sinh sống trên sông lên bờ của Nhà nước.
“Ban đầu, nghe các bác bên chính quyền và Mặt trận phân tích, động viên, khuyên nhủ, xóm chài chúng tôi sống trong tâm trạng vui, lo lẫn lộn. Vui vì rồi đây cuộc đời sẽ không còn phải lênh đênh trôi dạt, con cái sẽ có tương lai được học hành đầy đủ. Nhưng lo vì bao đời nay gắn bó với sông nước quen rồi, giờ lên bờ không có nghề, không đất nông nghiệp. Nhưng nhờ các bác làm Mặt trận luôn động viên, những lo lắng của bà con dân chài cũng dần vơi đi… Xây xong căn nhà, tôi đón vợ con về an cư và sẽ đi học nghề sửa chữa ô tô để tính kế lâu dài”- anh Nhung tỏ rõ quyết tâm.
Vừa dẫn tôi thả bộ dọc con đường trong khu tái định cư cho 18 hộ dân là đồng bào sông nước về đây an cư, tại mặt bằng 6275, phường Nam Ngạn, ông Đỗ Xuân Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa không giấu được niềm vui qua ánh mắt. Ông Thủy nói với tôi như khoe: “Suốt 3 nhiệm kỳ là người của Mặt trận, điều khiến chúng tôi đau đáu, trăn trở nhất vẫn là làm sao đưa được 54 hộ dân sinh sống trên sông lên được bờ. Họ đã nếm trải đủ những cay đắng, khổ cực, nhiều khi đến tuyệt vọng trong một quãng thời gian quá dài rồi. Vậy là sau bao vất vả, kỳ vọng của chính quyền và anh em làm công tác vận động đã được đền đáp, bà con được cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà. Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi tin mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên”.
Rồi ông Thủy cho hay: Mỗi một hộ dân là đồng bào sinh sống trên sông nằm trong diện tái định cư đều được tỉnh hỗ trợ 75m2 đất ở, 150 triệu đồng tiền làm nhà từ các nguồn vận động của MTTQ, các tấm lòng hảo tâm của tập thể và cá nhân. Có đất, dựng được nhà rồi, tiếp đến nữa là làm sao tạo sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống cho người dân. Việc cấp đất, hỗ trợ xây nhà mới là bước đầu an cư, còn lập nghiệp mới là quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng các khu tái định cư cho bà con đều được các địa phương ưu tiên những nơi thuận lợi, tập trung, gần trung tâm; giúp bà con một mặt vẫn được ở gần nhau, giúp đỡ nhau như lâu nay, mặt khác hội nhập nhanh với cộng đồng, thuận lợi cho quá trình sản xuất... Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục quan tâm, giúp bà con ổn định cuộc sống, để chương trình mang tính bền vững, đúng với chủ trương nhân văn mà tỉnh đã đề ra.
Để đưa được toàn bộ 54 hộ dân là đồng bào sinh sống trên sông lên bờ qua 2 đợt vận động, những người làm công tác Mặt trận như ông Thủy đã phải lặn lội, không kể mưa nắng, bất kể ngày, đêm. Thậm chí phải lên tận các khúc sông xa ở các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... đến từng con thuyền để tuyên truyền cho người dân hiểu thấu đáo về những chính sách ưu việt, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhiều khi khó khăn, còn đến từ những câu nói nặng nhẹ từ chính vợ con, khi những cán bộ Mặt trận như ông cứ “hở ra là đi”, không còn thời gian quan tâm đến gia đình của chính mình.
“Suốt 15 năm làm công tác Mặt trận, cái anh em chúng tôi làm được nhiều nhất, lãi nhất có lẽ là tình cảm yêu mến của bà con trong phố, phường. Phường rộng là thế, đông dân là thế mà ai cũng biết mặt, biết tên. Vì mình là người của Mặt trận nên đi đến đâu cũng được bà con ân cần, đon đả mời vào nhà uống một ly nước, ăn một miếng trầu. Cũng nhờ được người dân tin, yêu nên các phong trào do MTTQ phát động, kêu gọi đều được bà con nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Nhiều vấn đề “nóng”, dưới các khu dân cư đều được “người Mặt trận” tháo gỡ, giải quyết nhờ vào sự gần dân, hiểu dân, thấu tình đạt lý” - ông Thủy đúc kết.
Trong nắng thu, cả khu tái định cư lấp lóa màu sơn mới. Tổ thợ thi công “căn nhà mơ ước” cho vợ chồng anh Nhung bắt tay vào công việc buổi chiều. Tiếng máy trộn bê tông, tiếng cười nói và còn có cả tiếng gà gáy đâu đó... Bình yên. Vậy là những cuộc đời mới lại đang bắt đầu sau những lênh đênh, giông bão. Dẫu còn đó những bỡ ngỡ, khó khăn của buổi ban đầu làm quen với đất bằng, nhưng cũng như ông cán bộ Mặt trận Đỗ Xuân Thủy, chúng tôi tin rằng, mọi khó khăn rồi sẽ nhanh chóng qua đi, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên ở một ngày không xa.
“Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, những người làm công tác Mặt trận phải có tâm thế, tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Chúng ta cần tập trung hướng về cơ sở, lấy khu dân cư làm địa bàn trọng điểm để vừa tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết; vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những sáng kiến, kiến nghị của nhân dân. Mỗi hoạt động của Mặt trận phải thực chất, gắn với cuộc sống của người dân, gắn với mưu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận, sự tham gia tích cực của nhân dân, tăng cường niềm tin của người dân đối với tổ chức Mặt trận”- ông Đỗ Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa.