Ngày 11/12, tại Hà Nội, 6 đội có ý tưởng sáng tạo nhất về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã tranh tài tại vòng Chung kết của chương trình “Tìm kiếm Ý tưởng Sáng tạo vì một Đại dương không nhựa” .
Chương trình do UNESCO hợp tác triển khai với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, dưới sự tài trợ của Quỹ Coca - Cola Foundation. Ghi nhận vai trò quan trọng của thanh niên trong việc tạo nên thay đổi, Chương trình “Tìm kiếm Ý tưởng Sáng tạo vì một Đại dương không nhựa” đã tạo điều kiện để các bạn thanh niên và các nhà khoa học trẻ xây dựng các ý tưởng xuất sắc này thông qua áp dụng khoa học và công nghệ, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNESCO và các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Trong vòng Chung kết, 6 đội phải thuyết phục Ban giám khảo cũng như toàn bộ khán giả về tính khả thi và hiệu quả của các ý tưởng sáng tạo của họ trong thu gom, phân loại, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa.
Theo ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, điều chúng ta chứng kiến ngày hôm nay không phải một cuộc cạnh tranh giữa sáu đội để giành giải thưởng mà là một sân chơi để thế hệ trẻ đến với nhau vì một mục đích chung: một đại dương bền vững trong tương lai. Chương trình “Tìm kiếm Ý tưởng Sáng tạo vì một Đại dương không nhựa” đã thể hiện tính hợp lý trong việc đầu tư vào niềm đam mê, năng lượng và sự sáng tạo của những người trẻ tuổi, vì họ chính là cơ hội tốt nhất để chúng ta có được sự phát triển bền vững và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Trưởng Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, cho biết, có thể nói Chương trình ‘do UNESCO phát động với sự đồng hành của Quỹ Coca-Cola Foundation là một sáng kiến hay để Thanh niên có thể phát huy vai trò, năng lực và cả trách nhiệm của mình trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa - một vấn nạn toàn cầu. Tôi tin tưởng rằng các sản phẩm sáng tạo của thanh niên từ Chương trình này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để hướng đến một thế giới không rác thải, đặc biệt tại các khu dự trữ sinh quyển biển đảo như Cù Lao Chàm - Hội An, góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của đại dương.
Kết quả, sau các phần tranh tài, 3 nhóm được trao giải Nhất, mỗi giải trị giá 70 triệu đồng để hiện thực hóa các ý tưởng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là nhóm Green River với sáng kiến máy thu gom rác tự động trên mặt nước, nhóm Storm với robot Biya có thể nói chuyện và nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường và phân loại rác, và nhóm Làng chài bình yên sử dụng nguyên liệu địa phương như lưới cũ để làm “bẫy rác” - dựa vào sóng, gió và dòng hải lưu để gom rác trôi nổi.
Ba đội triển vọng nhận giải thưởng trị giá 10 triệu đồng bao gồm đội Ba cây chụm lại với ý tưởng EBIN - thùng phân loại rác thải nhựa với hệ thống báo đầy tự động, nhóm Octoplastic với sản phẩm gạch nhẹ từ rác thải nhựa đại dương và nhóm Bachuca với 2R-PLASTIC - một ứng dụng trên điện thoại di động nhằm hướng dẫn, khuyến khích quá trình phân loại rác tại hộ gia đình.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh”, phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì một môi trường đại dương trong lành và bền vững. Mục tiêu của Sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về các vấn đề cốt lõi liên quan đến chất thải nhựa thông qua các chiến dịch và hoạt động giáo dục dài hạn, hướng đến thanh niên, đồng thời tạo ra mạng lưới Thanh niên và và các nhà khoa học trẻ hành động vì sự đổi mới trong Khoa học và Kỹ thuật (U-INSPIRE) với vai trò như là một diễn đàn hỗ trợ chia sẻ kiến thức và ý tưởng sáng tạo từ các thanh niên của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và phát triển của quốc gia.