Vi phạm mang tính chất hệ thống trên quy mô rộng, “đụng” đến đâu cũng tiến hành xử lý theo quy định tố tụng. Vậy trong quản lý Nhà nước về đăng kiểm trong suốt thời gian dài có thanh tra, kiểm tra hay không?.
Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắk Kạn), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm xe Việt Nam là tham nhũng trục lợi. Hiện cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng đang xử lý.
Theo bà Thuỷ, đây là vi phạm mang tính hệ thống, tồn tại rất lâu dài nhưng đến bây giờ chúng ta mới xử lý hàng loạt hết địa phương này đến địa phương khác. Bây giờ mấy chục địa phương đã tiến hành khởi tố và điều tra các vụ án liên quan đến đăng kiểm.
Bà Thuỷ đặt vấn đề, với vi phạm mang tính chất hệ thống trên quy mô rộng, “đụng” đến đâu cũng tiến hành xử lý theo quy định tố tụng. Vậy trong quản lý Nhà nước về đăng kiểm trong suốt thời gian dài có thanh tra, kiểm tra hay không?. Và nếu thanh tra kiểm tra thì qua thanh tra có phát hiện được tiềm ẩn, dấu hiệu vi phạm này hay không? hay có phát hiện nhưng coi rằng “đó là vi phạm không đáng kể cho nên không kiến nghị, xử lý. Chỉ đến năm vừa qua mới thực hiện một loạt xử lý về mặt hình sự.
“Quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm, thanh tra kiểm tra vừa rồi là như thế nào? trong thời gian dài thế nào? Qua thanh tra phát hiện được vấn đề gì? có kiến nghị xử lý hay không mà để xảy ra đến tình trạng như ngày nay là vi phạm có tính chất hệ thống”, bà Thuỷ nêu rõ.
“Ai làm sai phải chịu trách nhiệm nhưng người dân không chỉ là người có ô tô đi lại trong đời sống bình thường mà người kinh doanh đến ngày phải thực hiện đăng kiểm ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của cả người dân và doanh nghiệp trong vấn đề liên quan đến đăng kiểm”, bà Thuỷ nói và đề nghị Chính phủ cần có câu trả lời về thanh tra kiểm tra, chất lượng thanh kiểm tra đối với hoạt động này.
Đề cập đến việc lừa đảo công nghệ cao, bà Thuỷ cho rằng, trong thời gian qua, cử tri, dư luận và nhân dân cảm thấy rất lo lắng bất an đối với vấn đề lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua điện thoại thông minh. Thậm chí đến bây giờ các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các trạm phát sóng di động BTS để trên ô tô đi qua các cây ATM của ngân hàng và phá sóng Wifi dẫn tới loạn Wifi và người dân nhận được thông báo của ngân hàng là địa chỉ chỉ khác 1 ký tự. Người dân nghĩ rằng đó là thông báo của ngân hàng, cập nhật vào sau đó là bị mất tiền.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhìn nhận, đây là vấn đề cử tri rất lo lắng bất an về lừa đảo, sử dụng công nghệ cao. Do đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục có giải pháp để có những giải pháp cụ thể đấu tranh với các loại tội phạm mới phi truyền thống. Trước kia, lừa đảo phải gặp trực tiếp nhưng bây giờ không cần gặp mà chỉ cần thông qua 1 hệ thống. Trong khi hiện nay chúng ta đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiền mặt lưu lượng trong xã hội thì với việc xuất hiện tội phạm này thì cử tri và nhân dân rất lo lắng. Có khi các thông tin đầy đủ cũng sợ. Có số ít tiền trong tài khoản dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cũng có thể có nguy cơ bị các đối tượng xâm phạm, lợi dụng và chiếm đoạt số tiền đó.